Giương oai diễu võ?

Dư luận thế giới đang đặt câu hỏi lớn về Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đang diễn ra tại Seoul rằng không biết các nguyên thủ cường quốc hạt nhân có kiểm điểm lại những gì họ đã hứa hẹn hai năm trước trong hội nghị lần đầu tiên ở Washington không. Nếu có, chắc họ sẽ nhận ra rằng họ chẳng làm được điều gì mà mình đã cam kết.

Từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Washington đến hội nghị lần này cho thấy có sự thay đổi lớn trong tư duy. Vào thời điểm này cách đây 2 năm, hội nghị đặt mục tiêu tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ngay sau đó Mỹ và Nga cũng cam kết cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. Thế nhưng hai năm trôi qua, với những biến động khôn lường của tình hình thế giới, không những các cường quốc hạt nhân không có ý nghĩ cắt giảm kho vũ khí hủy diệt hàng loạt này mà còn đang tăng cường chạy đua vũ trang.

Chính vì vậy, chủ đề hội nghị năm nay chỉ là: tăng cường an ninh và chống khủng bố hạt nhân. Điều này phải chăng cũng có nghĩa các cường quốc vẫn tự cho phép mình duy trì kho vũ khí hạt nhân? Bởi vậy mới có cảnh hàng ngàn người Hàn Quốc biểu tình bên ngoài hội nghị với khẩu hiệu: “không có vũ khí hạt nhân” chứ không phải “an ninh hạt nhân”.

Các cường quốc hạt nhân tự cho phép mình có kho vũ khí hủy diệt gồm hàng ngàn đầu đạn hạt nhân mà mỗi đầu đạn có thể hủy diệt cả một thành phố với lý do vì an ninh thế giới. Nhưng các “ông lớn hạt nhân” lại luôn là người khai mào chiến tranh. Chính vì vậy, để phòng vệ, các quốc gia khác buộc phải suy nghĩ đến loại vũ khí có sức công phá bằng hàng triệu tấn thuốc nổ này.

Và vô hình trung, thế giới này khó có thể trở thành hành tinh phi hạt nhân mà thật sự đang chính là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Toàn thế giới có tổng cộng 1.600 tấn uranium làm giàu với nồng độ cao và 500 tấn plutonium, đủ để chế tạo khoảng 126.500 đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt, uranium làm giàu dùng cho dân dụng đang tồn tại các vấn đề hết sức nổi cộm như số lượng nhiều, phân tán rộng và quản lý lỏng lẻo…

Bên cạnh đó, cũng với lý do bảo vệ an ninh thế giới, các cường quốc hạt nhân lại ngăn cản các quốc gia khác sở hữu công nghệ này dù phục vụ cho mục đích hòa bình. Công nghệ hạt nhân phục vụ cho mục đích hòa bình đang mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng quốc tế. Đặc biệt năng lượng hạt nhân được cân nhắc như là một biện pháp hữu hiệu để giải tỏa cơn khát năng lượng hiện nay của thế giới.

Thế nhưng thông qua các chính sách của Mỹ, nhiều nước nhận thấy còn có một sự phân biệt đáng kể. Nếu là đồng minh của Mỹ, việc sở hữu năng lượng hạt nhân không thành vấn đề nhưng nếu ở vị trí khác, các nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Mỹ không có một chút niềm tin nào vào chính sách hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran và CHDCND Triều Tiên cho dù đó có thể là nhu cầu thật sự.

Mặc dù người ta “đánh bóng” Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần này được coi là cơ hội để các quốc gia, tổ chức quốc tế bàn thảo giải pháp bảo đảm an ninh hạt nhân, nhưng những động thái trước thềm hội nghị cho thấy đây cũng chính là cơ hội để các ông lớn hạt nhân “giương oai diễu võ”, trong khi nguồn gốc đe dọa an ninh thế giới là loại vũ khí giết người hàng loạt thì vẫn đang tồn tại một cách hợp pháp. 

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục