Giúp dân dễ dàng với mua hàng combo

Để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình “đi chợ giúp dân”, nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM kết hợp hệ thống phân phối thiết kế combo mua hàng. Theo nhiều người dân, việc thiết kế combo mua hàng giúp người dân dễ dàng lựa chọn. Về phía cung ứng, việc thiết kế combo đã giúp giảm sức ép do thiếu hụt nhân lực giao hàng. 
Saigon Co.op nỗ lực giảm giá hàng hóa, chia sẻ khó khăn với người dân khi TPHCM thực hiện cao điểm giãn cách
Saigon Co.op nỗ lực giảm giá hàng hóa, chia sẻ khó khăn với người dân khi TPHCM thực hiện cao điểm giãn cách

Tiện lợi với mua hàng combo 

Ghi nhận thực tế tại huyện Bình Chánh, địa phương có nhiều khu vực dân cư nằm trong vùng đỏ phải áp dụng chính sách đi chợ hộ cho thấy, các gói hàng hóa thiết yếu được chia thành 25 combo nhóm. Cụ thể, nhóm combo 1 tổng giá trị 130.000 đồng cho các món (1kg/món) khổ qua, cần tàu, mướp hương, cà chua và 0,5kg hành lá. Hay như combo 23 có giá trị 250.000 đồng cho 1kg thịt heo ba rọi và 1kg xương ống. Người dân có nhu cầu mua cá điêu hồng và thịt heo ba rọi thì có thể chọn combo 13 giá trị 200.000 đồng… Người dân không đặt quá 3 combo/lần để hạn chế trường hợp nhiều người không thể đặt hàng. Chính quyền địa phương tạo đường link đăng ký và gửi đến các nhóm cư dân để người dân tiện sử dụng, đặt hàng online. 

Tương tự, với trang Facebook “Tôi là dân quận 3”, Hội LHPN quận 3 đã triển khai chương trình đi chợ giúp dân. Theo đó, tùy khu phố sẽ có những cán bộ phụ nữ tình nguyện nhận đơn và đi hộ thay người dân. Hay như tại phường 5 quận 8, trang Facebook “Tôi là dân quận 8” - mô hình chợ thực phẩm do người dân sống trong khu vực quận 8 tự liên kết để cung ứng cho nhau đã hoạt động rất tích cực suốt những tháng qua. Theo đó, người dân có nhu cầu mua rau củ quả đến hàng thủy hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn… đều được đáp ứng đầy đủ. Riêng khu vực chung cư, nhiều người dân còn liên kết với nhau thông qua ban quản trị chung cư để hỗ trợ, trao đổi thực phẩm nhằm hạn chế tiếp xúc với người giao hàng từ ngoài vào. Từ đó, hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19. 

Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, mô hình chợ, siêu thị trong khu dân cư hoặc đi chợ hộ đã giúp đơn vị giảm áp lực cung ứng hàng hóa, nhất là trong bối cảnh nhân sự của đơn vị hạn chế vì dịch bệnh. Thông qua mô hình đi chợ thay, nhân viên đơn vị thiết kế sẵn nhóm hàng hóa, nhờ vậy mà khâu soạn đơn hàng, giao nhận đơn giản hơn; nhất là thời gian qua, các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải.  

Nhiều siêu thị như Co.opmart, Aeon Việt Nam, Vinmart/Vinmar+, Bách hóa Xanh... đã đưa ra hướng dẫn cách mua hàng combo để người dân tiện mua sắm như: chọn hàng và điền vào phiếu thông tin; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn. Theo chia sẻ từ người tiêu dùng, nhất là người dân ở khu vực phong tỏa, cách ly, nhờ phương thức mua hàng combo, những ngày qua việc mua thực phẩm thiết yếu của họ đã bớt căng thẳng hơn bởi không phải xếp hàng chen lấn, tránh nguy cơ lây nhiễm. 

Giảm khó cho dân 

Theo đại diện Saigon Co.op, nhằm hỗ trợ người dân trong thời gian cao điểm TPHCM thực hiện dập dịch Covid-19, đơn vị giảm giá hơn 2.000 nhu yếu phẩm, âm thầm gánh lỗ để  giữ và giảm giá hàng hóa hỗ trợ người dân trong nhiều tháng qua. Theo đó, tập trung giảm mạnh giá ở sản phẩm chăm sóc sức khỏe (gồm thủy hải sản, rau củ, các loại trái cây, các loại sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, diệt khuẩn, hóa phẩm và đồ dùng), tỷ lệ giảm giá 15%-50%. Song song đó, đơn vị sẽ nỗ lực chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt nhất cho nhu cầu người dân, phối hợp các đoàn thể địa phương đưa hàng hóa đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến hiệu quả hơn.

Với quyết tâm đưa TPHCM trở về trạng thái bình thường mới, từ ngày 23-8, người dân TPHCM không đi mua hàng trực tiếp, việc đi chợ sẽ do lực lượng tình nguyện địa phương thực hiện. Theo Sở Công thương TPHCM, từ ngày 22-8, thành phố đã triển khai đến các quận, huyện, TP Thủ Đức và các DN kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân trong thời gian “giãn cách đặc biệt”. Theo đó, đề nghị DN phối hợp chính quyền địa phương tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân qua phương thức đi chợ hộ (do tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện tại địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố...) hỗ trợ, tần suất 1 lần/tuần và phân phối trực tiếp đến người dân. “Trường hợp cần thiết, Sở Công thương sẽ tổ chức điều phối kênh bổ trợ phân phối hàng hóa như xe bán hàng lưu động, siêu thị mini di động hỗ trợ TP Thủ Đức và các quận, huyện phân phối hàng hóa đến người dân. Sở cũng khuyến khích DN bán hàng combo, phối hợp tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương thông tin cho người dân đăng ký mua hàng”, đại diện Sở Công thương cho biết. 

Có thể nói, mô hình cung ứng thực phẩm combo và khép kín trong khu dân cư ngoài việc giảm áp lực cho hệ thống phân phối, còn giúp chia sẻ áp lực với cơ quan chức năng trong cung cấp thực phẩm đến người dân. Quan trọng hơn, sự đa dạng loại hình cung ứng thực phẩm giúp giảm nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục