Trong nỗ lực cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM (sau đây viết tắt là CB-CS) vừa đến tận Nhà hưu dưỡng Dòng Thánh Phao lô (số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM) để làm căn cước công dân (CCCD) cho gần 50 nữ tu tuổi cao sức yếu.
Triển khai nhanh
Chưa đến 7 giờ sáng, sau khi ăn xong, các nữ tu được đưa về khu hành lang nhà hưu dưỡng. Nhiều nữ tu đi lại khó khăn, phải ngồi trên xe lăn, còn các nữ tu khác ngồi trên dãy ghế dựa hành lang. Nắng ấm buổi sáng làm cho sắc diện ai cũng hồng hào.
Lăn tay để làm thủ tục cấp CCCD cho các nữ tu cao tuổi ở Nhà hưu dưỡng Dòng Thánh Phao lô
Các CB-CS trìu mến và trân trọng gọi các nữ tu ở nhà hưu dưỡng Tu viện Phao lô là “ngoại”. Vừa bước lên hành lang, Trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội cấp - quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ đi lại khác, ân cần chào: “Con chào các ngoại! Các ngoại đợi tụi con bố trí máy móc chút xíu nha! Thủ tục rất đơn giản!”. Mỗi người mỗi việc…, các máy móc, thiết bị được bày ra ngay trên bàn. Trung úy Võ Tấn Thanh lấy trong túi ra miếng vải trắng và cuộn băng keo. Các nữ tu cùng phụ dán tấm vải lên tường. Trung tá Long đưa ổ cắm điện và sợi dây dài cho Thượng úy Nguyễn Trọng Hạnh và bảo: “Em hỏi thăm các ngoại ổ điện ở đâu, rồi nối dây vào máy tính xách tay nha!”. Nhìn về phía các nữ tu đang ngồi trên xe lăn chờ đợi, Thượng úy Hạnh liền nói: “Đêm qua, em sạc pin đầy rồi. Chắc không cần kéo dây đâu anh. Kéo dây điện thì các ngoại đi xe lăn sẽ bị khó khăn, vướng víu lắm”. Lấy xấp tờ khai đặt trên bàn, Trung tá Long dặn thêm: “Bảo đảm nha! Nhớ theo dõi kỹ, cạn pin là sạc liền đó!”. Việc kết nối máy lăn tay điện tử và máy vi tính xách tay suôn sẻ, nhưng kết nối với máy ảnh thì gặp trục trặc. Trung tá Thanh nói nhỏ: “Kết nối chậm quá. Kéo dây lại vướng víu. Em chụp xong rồi về cơ quan mình ghép lại”. “Đồng ý! Nhưng mấy em phải ghi số thứ tự. Mình không làm theo danh sách mà ưu tiên các ngoại ngồi xe lăn trước. Nhớ ghi kỹ!”.
Dù đã căng tấm vải trắng phía sau, nhưng việc chụp ảnh các nữ tu ngồi trên xe lăn không hề đơn giản. Nguyên tắc là ảnh khuôn mặt trên nền trắng, nhưng các nữ tu ngồi xe lăn nên hai bên vai có hiển thị khung xe. Trung tá Long lấy thêm tấm vải trắng nữa và nhờ 2 nữ tu giúp căng ra ngay sau lưng người được chụp để che khung xe lăn. Một số nữ tu bị thoái hóa cột sống, không thể ngồi thẳng được, nên Trung úy Thanh quỳ xuống chụp liên tục nhiều kiểu ảnh. Xong việc, Trung úy Thanh đưa từng nữ tu đến máy lăn tay. Với người thường, việc lăn tay khá đơn giản. Chỉ cần đặt các ngón tay lên máy là xong. Tuy nhiên, phần đông các nữ tu lớn tuổi đã bị thoái hóa khớp ngón tay, nên các ngón tay để lên máy không đều, dấu vân tay hiển thị trên máy tính không rõ. Do vậy, các CB-CS phải chụp vân tay từng ngón cho nhiều nữ tu. Nhiều lúc phải dùng khăn giấy ướt lau tay và ấn ngón tay của các nữ tu lên tấm kính của máy lấy vân tay điện tử. Cứ mỗi lần đặt ngón tay lên máy thì các nữ tu lại nghiêng gồng người, nét mặt tỏ vẻ đau. Tay cầm máy chụp vân tay, mắt nhìn vào màn hình, Trung tá Long liên tục động viên: “Thả lỏng người nha ngoại! Đừng gồng! Đấy, được rồi!”.
Ân cần phục vụ
Hơn 10 giờ, công việc tiến triển nhanh hơn. Các CB-CS lưng ướt đẫm. Sơ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 61 tuổi, phụ trách Nhà hưu dưỡng Dòng Thánh Phao lô, tâm sự: “Chúng tôi rất cảm động với sự nhiệt tình và chịu thương chịu khó của các CB-CS, đã tạo điều kiện thuận tiện, nhanh chóng để thực hiện cấp CCCD cho chúng tôi, ân cần phục vụ như người thân của mình”.
Rảo bước trên lối đi rất tĩnh mịch trong Tu viện Phao lô, Thượng tá Lê Duy Bình, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết: “Nhận được yêu cầu hỗ trợ của nhà hưu dưỡng, chúng tôi báo cáo ngay với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TPHCM để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện. Chúng tôi đã tổ chức cho các nữ tu làm tờ khai trước, nên hôm nay chỉ việc đến chụp ảnh và lăn tay điện tử. Hơn ai hết, chúng tôi ý thức được rằng các nữ tu rất cần có CCCD để thực hiện nhiều thủ tục pháp lý khác. Việc phân công CB-CS đến tận nơi để làm CCCD cho những người cao tuổi là việc làm có ý nghĩa và có lợi cho cả đôi bên. Người dân được đơn giản hóa thủ tục, còn chúng tôi thì có điều kiện phục vụ chu đáo hơn. Đây chính là một trong những việc làm hưởng ứng đợt vận động của Bộ Công an về “xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của đơn vị chúng tôi”.
ĐOÀN HIỆP