Hiện nay, tại TPHCM có nhiều trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý, tham gia có hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người dân thực thi quyền khiếu nại - tố cáo (KN-TC).
Trợ thủ đắc lực
Chúng tôi đến Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam ở đường Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM) và chứng kiến tại đây đang có khoảng 100 người dân ở quận 12 (TPHCM) cùng đến ngồi chật kín văn phòng, tràn ra ngoài sân. Hơn 200 gia đình đang lo lắng mất ăn, mất ngủ vì đã bị lừa. Chủ đất bán đất cho người dân xây dựng nhà, nhưng lại mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cầm cố, thế chấp ngân hàng vay tiền. Người dân đang sống yên ổn, chờ chủ đất làm thủ tục tách sổ thì nhận được thông báo phát mãi nhà. Nơi đầu tiên mà những người dân này tìm đến kêu cứu là Trung tâm Tư vấn pháp luật để được hỗ trợ pháp lý.
Các luật gia Trung tâm Tư vấn pháp luật trao đổi nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng tư vấn
Trung tâm Tư vấn pháp luật đã được thành lập và hoạt động 10 năm nay. Trung tâm có đội ngũ tư vấn viên hùng hậu với gần 50 hội viên, là những luật gia, luật sư và thanh tra viên cao cấp, làm nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân trên các lĩnh vực pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và trẻ em, hành chính, đất đai, lao động, người có công…
Luật gia Đặng Đình Thịnh, Ủy viên Hội Luật gia Việt Nam, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Trung tâm Tư vấn pháp luật hoạt động với mục đích phục vụ người dân. Các đối tượng chính sách, người nghèo được miễn giảm phí tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Không chỉ người dân TPHCM, còn có nhiều người dân ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng tìm đến trung tâm để được tư vấn, hỗ trợ. Ngoài việc tư vấn tại văn phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật còn tổ chức các đoàn xuống phường - xã để tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho người dân”.
Luật gia lớn tuổi nhất ở Trung tâm Tư vấn pháp luật là ông Nguyễn Văn Liêm, từng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ). Luật gia Liêm kể: “Nhiều người dân tìm đến trung tâm trong hoàn cảnh thực sự cần được giúp đỡ. Không chỉ thiếu kiến thực pháp luật, nhiều người thiếu cả tiền đi xe. Do vậy, anh em ở trung tâm không những tư vấn miễn phí, hỗ trợ pháp lý, mà còn góp tiền, ân cần giúp người dân mua vé tàu xe trở về nhà”.
Đồng hành với người dân
Hội Luật gia TPHCM đã xây dựng, thành lập trên 100 chi hội từ quận - huyện đến các phường - xã - thị trấn, với trên 4.600 hội viên, đưa kiến thức pháp luật đến với người dân. Trong 5 năm qua, Hội Luật gia TPHCM đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho trên 147.000 trường hợp. Cùng với Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam, còn có nhiều trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý Nhà nước đang hoạt động tích cực, trở thành trợ thủ đắc lực giúp người dân thực hiện quyền KN-TC, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng bị xâm lại. Để Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đi vào cuộc sống, chính quyền, thanh tra, tư pháp, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng ở TPHCM đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền KN-TC thông qua việc tổ chức tiếp dân, thụ lý đơn KN-TC, tư vấn trợ giúp pháp lý.
Hệ thống trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp TPHCM có bề dày và hoạt động quy cũ, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, tập hợp được 892 cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trong đó có trên 220 cộng tác viên là luật sư. Trung tâm hoạt động theo mô hình tổ và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp pháp lý ở 24 quận - huyện TPHCM. Đến nay trung tâm đã thành lập 132 tổ chức trợ giúp pháp lý và 131 câu lạc bộ tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM.
Các trung tâm, tổ chức và câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ pháp lý nhà nước được tổ chức quy cũ, nề nếp từ cấp TP đến cơ sở đã thực sự trở thành điểm tựa đắc lực cho người dân thực hiện quyền KN-TC và cũng là cánh tay nối dài của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến người dân. Thực tế cho thấy khi người dân được tư vấn, hỗ trợ pháp lý thì công tác giải quyết KN-TC không còn phức tạp, hạn chế được tình trạng người dân gửi đơn khiếu nại lòng vòng, vượt cấp.
TRẦN YÊN