Quảng Bình năm 2013 trải qua 2 cơn bão lớn, 4 trận lũ vùi dập, một trận lốc xoáy khiến toàn tỉnh thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng. Có nơi, hậu quả của trận siêu lũ năm 2010 chưa khắc phục xong thì bão lũ năm nay chà xát mạnh khiến người dân khốn khó trăm bề. Người dân đang rất cần nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ lâu dài để họ vượt qua thiên tai để giữ đất giữ làng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết, mỗi hộ gia đình tốc mái nhà toàn bộ được hỗ trợ 5 triệu đồng từ tỉnh, hộ sập nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng. Nhưng theo ông, 5 triệu đồng không đủ lợp lại toàn bộ mái nhà, 20 triệu đồng không đủ mua vật liệu dựng móng nhà. Dĩ nhiên, nhà nước hỗ trợ bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhưng trong tình cảnh nhà sập, tốc mái, người dân sẽ tái nghèo. Ở chốn nghèo “gia truyền” dưới nhiều làng mạc Quảng Bình, dựng căn nhà là tâm sức, tài lực huy động cả cuộc đời, chẳng may bị lũ cuốn trôi hoặc bão giật đổ thì phải dựng lại từ con số không, thậm chí là âm nếu nhà sập gây chết người, tài sản trâu bò trôi theo con nước.
Ông Hoàng Văn Hoàn ở Linh Cận Sơn, nhà sập hoàn toàn, ông và vợ, con trai bị thương nặng. Khi trở lại căn nhà cuối làng, gặp chúng tôi, ông tâm sự: “Nhà tui rứa là về dưới số không rồi, quần quật cả đời mới dựng được liếp nhà cấp 4, chừ làm lại để trả nợ tiền thuốc men mấy chục triệu đồng cho cả nhà, rồi cũng phải vay mượn để dựng lại cái nhà nhỏ không bằng trước, phải có nơi ra vô khỏi mưa rét thì mới có thể làm lại từ đầu. Muốn dựng lại như cũ thì phải mất 20 năm. 20 năm đó, năm mô cũng bão lụt, coi như nghèo cứ đeo bám triền miên”.
Không chỉ nhà ông Hoàng Văn Hoàn mà hơn 600 căn nhà bị sập hoàn toàn trong đợt thiên tai vừa qua ở Quảng Bình cần được xây mới để thoát cảnh tái nghèo. Những hộ nhà sập đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, kéo sức phát triển của họ xuống từ 10 - 20 năm trong khốn khó.
Người dân các địa phương vùng bão lũ Quảng Bình đề xuất ngoài việc hỗ trợ tức thời khi khốn khó, nhà nước cần cho dân vay ưu đãi để bà con bị tốc mái, sập nhà dựng lại nhà trước mùa mưa bão năm tới để còn sức chống chọi thiên tai. Ông Nguyễn Thái Mãn ở xã Quảng Minh, Quảng Trạch, sống giữa cồn nồi sông Gianh nói: “Tui rất mong nhà nước có chính sách giúp dân vùng bão lũ, cho người dân vay tiền lãi suất thấp xây nhà bị sập, lợp lại mái ngói sau khi bị tốc. Hỗ trợ trước mắt là cần thiết nhưng nhà sập mà được hỗ trợ 20 triệu đồng chỉ dựng được túp lều, mùa mưa bão năm khác đến xô một cái thì lại trắng tay”.
Ông Nguyễn Văn Hòa nói thêm: “Ngoài việc cho người dân vay ưu đãi xây nhà bị sập, nhà nước cũng nên nghiên cứu ở vùng hay xảy ra bão lũ cần đánh giá lại toàn bộ nhà cửa của người dân kiên cố như thế nào, mấy chục năm hết hạn sử dụng, bao nhiêu năm có nguy cơ xuống cấp, cũ nát cần xây mới, gia cố mà gia cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo thì nhà nước có chính sách cho vay lãi suất thấp để sửa chữa nhà, gia cố lại. Hoặc cho người dân vay tiền để xây nhà bè chống lũ, nước lên thì nhà bè cũng lên, đồ đạc và tính mạng người dân chất lên đó để chạy lũ”.
MINH PHONG