Gỡ hạn cho đồng bằng sông Cửu Long

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 17-3, đại diện Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho hay phía Trung Quốc đã bắt đầu xả nước, khoảng 2 - 3 tuần sau lượng nước sẽ về Việt Nam từ khoảng 27% - 54%. Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, rất nhiều chuyên gia vẫn lo lắng khi lượng nước về tới khu vực ĐBSCL sẽ không nhiều như kỳ vọng.
Gỡ hạn cho đồng bằng sông Cửu Long

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 17-3, đại diện Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho hay phía Trung Quốc đã bắt đầu xả nước, khoảng 2 - 3 tuần sau lượng nước sẽ về Việt Nam từ khoảng 27% - 54%. Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, rất nhiều chuyên gia vẫn lo lắng khi lượng nước về tới khu vực ĐBSCL sẽ không nhiều như kỳ vọng.

Nước xa…

Trước đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc gửi đến Ủy ban sông Mê Công (MRC) một thông báo về việc cấp nước khẩn cho sông Mê Công. Thông báo cho hay, để giúp các nước hạ nguồn sông Mê Công giảm nhẹ tình trạng hạn hán, từ ngày 15-3 đến 10-4-2016, Trung Quốc sẽ xả 2.000m3/giây nước từ hồ Cảnh Hồng vào sông Mê Công, lượng xả này bằng 200% lượng xả cùng kỳ và bằng từ 300% - 350% dòng chảy tự nhiên. Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, các hồ chứa đập thủy điện của Trung Quốc trữ lượng khoảng 23 tỷ m3, còn ở hạ lưu đạt 20 tỷ m. Cho nên, việc sử dụng lượng nước trên các hồ này để cứu hạn là khả thi.

Các chuyên gia trong nước cho rằng con số 23 tỷ m3 và 20 tỷ m3 là tổng lượng nước dự kiến của các công trình hồ đập trên sông Mê Công trong tương lai. Còn hiện tại với một số hồ đập đã xây dựng xong thì tổng lượng nước chỉ vào khoảng 11 tỷ m3 và hạ lưu là 5 tỷ m3, nếu chứa đủ dung tích thiết kế. Do vậy, lượng nước xả xuống hạ nguồn sẽ không nhiều như công bố. Theo GS-TS Nguyễn Ân Niên, Cảnh Hồng không phải là hồ thủy lợi chỉ để xả nước mà là hồ thủy điện.

Lượng nước từ hồ Cảnh Hồng phải vượt chặng đường hơn 4.000km, qua các quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia mới đến được ĐBSCL của Việt Nam. Trải dài trên quãng đường ấy, có rất nhiều bãi cạn ven sông, hệ thống bơm của các quốc gia… đang hút một lượng nước đáng kể từ sông Mê Công, đặc biệt là vùng Biển Hồ của Campuchia. Đây là vùng trũng nên toàn bộ nước sẽ đổ vào đây. Theo tính toán sơ bộ thì lượng nước về đến ĐBSCL còn nhiều nhất là 5%. Đồng quan điểm, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Trung Quốc cũng đang hạn hán nên không thể xả lượng nước đủ lớn để giải hạn cho Việt Nam. Do vậy, việc cần làm bây giờ, người dân vẫn phải thực hiện triệt để chính sách tiết kiệm nước trong sinh hoạt, tưới tiêu và tính toán giải pháp cho tháng 6 tới.

Cần thay đổi tư duy

Cảnh báo từ Đài khí tượng - thủy văn Nam bộ thông qua số liệu từ các trạm quan trắc trên hệ thống sông Cửu Long cho thấy, vẫn còn lượng nước khoảng 1.500m3/giây. Hiện nay khu vực An Giang, một phần TP Cần Thơ và Đồng Tháp (phần phía trên kênh Hồng Ngự) nước mặn vẫn chưa xâm nhập đến. Đồng thời có thể kết nối hệ thống các công trình thủy lợi lớn như Gò Công - Bảo Định, Quản Lộ - Phụng Hiệp và Nam Mang Thít để tạo thành các hồ chứa nước tạm thời và đắp một số đê ngăn mặn. Có thể bơm nước ngọt vào các hồ chứa này để tiếp tế cho các nơi bị thiếu nước. Cần ưu tiên trước cho mục đích sinh hoạt vì nguồn nước ít ỏi và còn nhiều vùng người dân thiếu nước uống. Các vùng lúa chết thì đành chấp nhận chứ không thể cứu lúa lúc này. Các vùng lúa mà nước mặn chưa xâm nhập, bà con cũng nên tưới thật tiết kiệm để phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Còn chuyện lợi dụng các vùng mặn để nuôi trồng thủy sản cũng cần cân nhắc vì hiện độ mặn đã vượt quá mức chịu đựng của con tôm, do đó muốn nuôi cũng phải dùng nước ngọt pha loãng độ mặn.

Những vùng dễ bị xâm nhập mặn nên nuôi trồng thủy sản thay cây lúa         Ảnh: THÀNH TRÍ

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với tình trạng hạn hán hay cứu các diện tích thiệt hại, bàn lúc này thì không còn kịp. Nói cách khác, các giải pháp ngắn hạn đã không còn áp dụng được mà lúc này phải nhìn lâu dài. Đợt hạn hán này cũng là một thực tế để người dân, mà nhất là chính quyền phải nhìn nhận và tính toán một cách nghiêm túc về vấn đề chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Thật ra, nguy cơ thiếu nước, hạn hán đâu chỉ được cảnh báo năm ngoái, năm nay mà từ rất lâu rồi.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng thế, ngoài quy hoạch chung của Bộ NN-PTNT còn có quy hoạch của các địa phương. Nếu thực hiện đúng các quy hoạch đó, có lẽ đợt hạn này đã không gây thiệt hại nhiều đến thế. Các địa phương ven biển hay xảy ra xâm nhập mặn thì rất thích hợp với việc nuôi tôm và một số loại thủy hải sản khác. Thế nhưng, các tỉnh lại đua nhau phát triển cây lúa. Cho đến lúc hết nước, lúa chết thì lại chỉ khổ dân.
 
“Đừng có nhìn vào cây lúa nữa mà hãy nhìn vào GDP ấy!”, GS-TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo. Nhà nước cần thay đổi tư duy, không chỉ làm thủy lợi để trồng lúa mà cần làm thủy lợi để nuôi tôm: sử dụng kênh mương để dẫn nước biển vào nuôi tôm và xây dựng các hệ thống thu gom, dẫn nước thải nuôi trồng thủy sản ra các rừng ngập mặn để xử lý tự nhiên. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đều đã chuyển hướng sang nuôi tôm và hiệu quả rất cao. Đừng sợ không có đầu ra vì nhu cầu của thị trường thế giới về thủy hải sản rất cao. Điều cần làm là nhà nước cần đứng ra tổ chức và điều phối, đừng để doanh nghiệp “đi đêm” với thương lái, ép giá người dân.

MINH KHANH

Tin cùng chuyên mục