Gỡ khó cho nông dân

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang nghị sự có nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nội dung được nhiều người dân quan tâm. Báo SGGP trích đăng ý kiến của bạn đọc góp ý về vấn đề này.
Gỡ khó cho nông dân

LTS: Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang nghị sự có nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nội dung được nhiều người dân quan tâm. Báo SGGP trích đăng ý kiến của bạn đọc góp ý về vấn đề này.

Trợ sức cho nông dân

Có tận mắt chứng kiến quá trình làm ra hạt lúa mới biết cảm thông và đánh giá đúng công sức của nông dân. Khi xuống giống, gặp lúc mưa bão, cầm bằng bỏ vốn bỏ công. Có khi phải gieo sạ đôi ba lần trong một vụ, vừa tốn công lại vừa tốn của. Tới lúc cần bón phân xịt thuốc, các đại lý thuốc bảo vệ thực vật “hét” giá bao nhiêu họ phải trả bấy nhiêu. Gặp vụ nào có sâu rầy gây hại thì tiền thuốc làm chi phí đội lên cao ngất, có khi tốn tiền nhưng lúa vẫn mất trắng. Đến lúc thu hoạch, điệp khúc buồn muôn thuở “trúng mùa - mất giá” lại tái diễn. Lúa tồn đọng nhiều nên thương lái mặc tình hạ giá. Tới lúc đáo hạn nợ ngân hàng, nông dân phải nén nỗi buồn bán lúa giá rẻ.

Có tận mắt chứng kiến quá trình làm ra hạt lúa mới biết cảm thông và đánh giá đúng công sức của nông dân. Ảnh: NGUYỄN MINH ÚT
Có tận mắt chứng kiến quá trình làm ra hạt lúa mới biết cảm thông và đánh giá đúng công sức của nông dân. Ảnh: NGUYỄN MINH ÚT

Nỗi nhọc nhằn gian khổ của nông dân đâu phải chỉ có bấy nhiêu thôi. Năm nào cũng như năm nào, thiên tai cứ treo lơ lửng trên đầu. Mỗi năm có từ 8 đến 12 cơn bão, cộng thêm lũ, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nông dân nước ta. Có năm, ở ĐBSCL, nước lũ lên nhanh, nhiều tuyến đê bị vỡ, hàng ngàn hécta lúa bị nhấn chìm trong nước lũ. Nhìn vào nước lũ cuồn cuộn chảy xiết trên đầu ngọn lúa, ai mà không xót xa! Nông dân một nắng hai sương, ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời để làm ra hạt lúa vừa nuôi sống bản thân và gia đình, vừa góp phần ổn định lương thực cho đất nước phát triển, công sức ấy không thua kém gì các thành phần sản xuất khác trong xã hội.

Làm gì để nông dân hết khổ? Chủ trương, chính sách “tam nông” - đầu tư phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân và đổi mới nông thôn - đã được triển khai, để đi vào cuộc sống và mang lại kết quả tích cực. Một trong những yêu cầu rất quan trọng là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rất hoan nghênh Quốc hội đã quan tâm dành thời gian nghị sự, giám sát việc này.

Theo tôi, rất cần tập trung phân tích, chỉ rõ những vướng mắc cần tháo gỡ để giải quyết cho được những nỗi lo của nông dân như: vận dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, chủ động đối phó với thiên tai, quản lý thị trường giá vật tư nông nghiệp và bảo đảm đầu ra cho nông sản.

NGUYỄN MINH ÚT (Xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục