Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên

UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới”.
Nông dân Sóc Trăng thu hoạch tôm
Nông dân Sóc Trăng thu hoạch tôm

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Trương Đình Hòe cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 7,7 tỷ USD (tăng 38% so với cùng kỳ). Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD, cá tra 1,8 tỷ USD, cá ngừ 729 triệu USD, hải sản 2,2 tỷ USD. Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trương Đình Hòe cũng như các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành thủy sản nước ta hiện nay như: tác động khó lường từ biến đổi khí hậu, hạn mặn, ô nhiễm môi trường; “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với khai thác thủy sản Việt Nam; khai thác thủy sản phát triển tự phát; cường lực khai thác vượt quá khả năng tái tạo nguồn lợi; tàu và trang thiết bị khai thác lạc hậu, năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp; giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, nuôi trồng; hạ tầng, cơ sở sản xuất giống, vật tư nuôi trồng còn lạc hậu; nhiều thiết bị vật tư đầu vào phụ thuộc vào nước ngoài…

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Tại Sóc Trăng, ngành thủy sản chi phối đến đời sống của trên 50% dân số và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do đó, việc định hướng chuyển đổi, cải tiến phương thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản một cách bền vững là rất cần thiết, không chỉ cho ngành mà còn cho thế hệ mai sau. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tài nguyên biển của chúng ta nhiều, nhưng đây là tài nguyên hữu hạn chứ không phải vô hạn, chính vì vậy việc giảm khai thác và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản là hướng đi sắp tới. Để giải quyết các vấn đề bất ổn trong nuôi trồng, cũng như trong khai thác thủy sản vừa qua, đòi hỏi sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể thuộc hệ sinh thái ngành từ người khai thác, nuôi trồng đến doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), ngành thủy sản Việt Nam từ năm 2010 đến 2021 đạt tốc độ tăng trưởng tốt, trên 5%/năm. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm 5,5% giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản (đứng thứ 3 thế giới) và tổng sản lượng 4,4% toàn cầu. Trong nước, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,6 tỷ USD, đóng góp khoảng 3,4% GDP toàn quốc, 24,4% GDP ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động.

Tin cùng chuyên mục