Gỡ khó xuất khẩu phim Việt

Cánh cửa xuất khẩu phim Việt được mở cách đây hơn 10 năm. Đã có một số ít phim thành công, nhưng để tạo nên thương hiệu, phim Việt cần thêm thời gian, lộ trình ra thế giới một cách chuẩn mực, bài bản, trong đó cốt lõi vẫn là chất lượng.

Tín hiệu tích cực

Sau khi chinh phục thị trường trong nước, Bố già (tên quốc tế Dad, I’m sorry) đã chiếu tại Singapore và Malaysia từ ngày 22-4. Ngày 21-5, phim có suất chiếu đầu tiên tại Australia. Từ ngày 28-5, phim được chiếu ở các tiểu bang California, Texas, Virginia, Georgia và New York của Mỹ. 

Dù không công bố doanh thu chính thức, nhưng theo tiết lộ của nhà sản xuất, Bố già trở thành tốp 1 doanh thu phòng vé ở Malaysia ngày đầu ra mắt. Tại TP Brisbane và Sydney của Australia, nhiều suất chiếu của phim đã bán hết vé. Theo cập nhật doanh thu phòng vé từ trang cinemaonline, trong tuần ra mắt, từ ngày 22 đến 25-4, Bố già đứng vị trí thứ 4 tại Singapore và thứ 6 tại Malaysia.  

Gỡ khó xuất khẩu phim Việt ảnh 1 "Bố già" đã tạo ấn tượng nhất định khi phát hành ở một số thị trường nước ngoài

Trung tuần tháng 5, ê kíp bộ phim Gái già lắm chiêu V (đạo diễn Bảo Nhân - Namcito) cũng chia sẻ thông tin bộ phim sẽ được chiếu toàn cầu trên Netflix từ ngày 10-6. Đạo diễn - nhà sản xuất Namcito cho biết: “Sau khi thuyết phục thành công bằng nội dung, chất lượng và quy mô của dự án thông qua First Look (những hình ảnh đầu tiên giới thiệu về phim), chúng tôi rất vui mừng khi phim chính thức được ra mắt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong thời gian tới”.

Nói về việc xuất khẩu phim Việt, bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, đơn vị đã đưa hơn 50 phim Việt ra thị trường quốc tế, chia sẻ: “Xuất khẩu phim Việt hiện đã có những chuyển biến tích cực với nhiều phản hồi tốt. Mỗi năm, độ nhận biết về phim Việt ngày càng rộng hơn. Nếu trước đây chủ yếu tham gia các liên hoan phim hoặc chiếu nhỏ lẻ, nay một số phim Việt được chiếu thương mại. Thậm chí một số phim có thể cạnh tranh với các phim khác ở rạp chiếu phim của nước sở tại hay lên một số nền tảng trực tuyến toàn cầu”.  

Dù không nói cụ thể về con số trung bình số tiền các phim Việt thu về nhưng theo bà Hằng, đã có phim Việt có lời sau khi đạt thỏa thuận phát hành ở nước ngoài. “Thường mỗi phim khi bán sẽ nhận được số tiền đặt cọc tối thiểu ban đầu. Phim thành công hay không chỉ biết sau khi được chia lợi nhuận. Và, đã có một số ít phim được chia thêm, có nghĩa phim đã có lời...”, bà Hằng chia sẻ thêm. 

Ngoài 2 bộ phim nói trên, Thiên thần hộ mệnh (Victor Vũ) dự kiến được chiếu ở một số thị trường: Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Singapore…

Theo chia sẻ từ ê kíp, ngoài doanh thu nội địa, việc vươn ra thế giới cũng là mục tiêu quan trọng. Bóng đè (Lê Văn Kiệt) cũng công bố đã có 25 quốc gia: Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia, Iran, Jordan, New Zealand, Oman, Philippines, Qatar… mua bản quyền công chiếu. Lật mặt: 48h, theo tiết lộ của đạo diễn Lý Hải, được kết nối phát hành ở Mỹ, Canada, Australia và 5 nước châu Á khác.

Còn thiếu và yếu

Theo ông Nguyễn Thế Tuấn, đại diện BHD, một trong những đơn vị đầu tiên mang phim ra nước ngoài: “Doanh thu bán phim ra nước ngoài còn khá thấp. Việc đưa phim ra nước ngoài trước mắt mang tính chất quảng bá văn hóa Việt Nam là chính. Do đó, việc xuất khẩu phim đa phần lỗ”. 

Tại hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”, từ kinh nghiệm đưa phim Bóng đè xuất ngoại, ông Nelson Mok, Giám đốc, Cố vấn Film Group (Singapore), khẳng định: “Ban đầu không dễ dàng thuyết phục các nhà phát hành quốc tế trao cơ hội cho phim Việt”. Bài toán này có nhiều nguyên nhân, như vấn đề chất lượng, công tác quảng bá và số lượng phim. 

Liên quan câu chuyện chất lượng, bà Minh Hằng phân tích: “Chất lượng và quy mô bộ phim chưa thật sự nổi trội, khác biệt để các đối tác phải chọn phim Việt thay vì phim của các nước khác. Họ có nhiều lựa chọn và chưa nhận được câu trả lời rõ ràng: Tại sao tôi phải chiếu phim Việt? Phim Việt có ý tưởng hay yếu tố bán hàng đặc biệt nào để họ phải mua nhanh?”. Khẳng định tính quốc tế và bản địa của phim Việt đều chưa rõ nét, bà Minh Hằng cũng đặt ra câu hỏi liệu các nhà làm phim ngay từ đầu có định vị sẽ đưa phim ra nước ngoài hay chỉ phục vụ khán giả trong nước? 

Nói như ông Nelson Mok, muốn ra quốc tế, bộ phim cần có sắc thái, tầm nhìn của đạo diễn. Bóng đè đã giải được bài toán này nên phim giành được quyền phân phối tại Đông Nam Á, Trung Đông… Đây cũng chìa khóa thành công của Gái già lắm chiêu V.

Theo đạo diễn Bảo Nhân: “Mục tiêu kép cho dự án này là vừa chinh phục khán giả trong nước vừa giới thiệu đến khán giả quốc tế một Việt Nam đương đại, giàu truyền thống. Chúng tôi đã gia tăng tính drama (kịch tính) cho phim và giảm bớt yếu tố hài hước để hướng tới chiều sâu câu chuyện nhiều hơn”. 

Gỡ khó xuất khẩu phim Việt ảnh 2 "Bố già" đã tạo ấn tượng nhất định khi phát hành ở một số thị trường nước ngoài. Ảnh: ĐPCC

Từ câu chuyện chất lượng, dễ thấy tình trạng các đối tác bán hàng hiện nay vẫn đang dừng lại ở việc thử nghiệm phim Việt có thể chiếu, kinh doanh ở nước đó hay không, chứ chưa chắc chắn mua phim Việt sẽ thành công. Ngay từ điểm khởi đầu, muốn khán giả các nước trải nghiệm xem phim Việt đã vô cùng khó khăn. 

“Trước tiên, phim Việt phải thành công trong nước, bởi người mua luôn để ý đến các phim có tỷ lệ xem cao nhất tại Việt Nam. Các thông tin về bộ phim, diễn viên, doanh thu… luôn rất quan trọng, giúp các nhà nhập khẩu đưa ra quyết định. Chưa kể, trailer, poster phải có các phiên bản riêng cho thị trường quốc tế”, ông Nelson Mok phân tích. Cũng liên quan đến công tác quảng bá, ông đặt ra vai trò của các đại lý bán hàng (sale agent) uy tín, vì đây chính là cầu nối quan trọng giúp đối tác có thêm sự tin tưởng vào chất lượng bộ phim, cũng như các dịch vụ hỗ trợ.

Hiện mỗi năm có khoảng 40 phim Việt ra rạp, nhưng không phải phim nào cũng đủ chất lượng xuất ngoại. Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, cho rằng: “Số lượng phim ít, nguồn cung hạn chế nên không thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường là điều dễ hiểu. Hiện chúng tôi không đủ phim xuất ngoại nhằm tăng nhận diện cho phim Việt”.

Tin cùng chuyên mục