Góc chuyên gia: Nửa đường nhìn lại

Vòng đấu bảng vừa kết thúc, con đường phía trước là việc xác định vị trí thứ hạng của 4 đội lọt vào bán kết là Malaysia (đương kim vô địch SEA Games 25), Myanmar, Việt Nam (á quân SEA Games 25) và đội chủ nhà Indonesia.

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến con đường trẻ hóa giải đấu, thông qua việc áp dụng giới hạn tuổi U.23 tại SEA Games. Đúng 10 năm kể từ lần đầu áp dụng quy chế giới hạn tuổi U.23 tại SEA Games 20-2001, tôi cho rằng, Hội đồng thể thao Đông Nam Á đã học tập Olympic trong việc trẻ hóa, xây dựng lực lượng và lo cho sự phát triển của nền bóng đá khu vực. Đây là cách làm đúng, rất được các quốc gia ủng hộ.

Sân chơi SEA Games làm nền tảng, làm chỗ dựa cho việc phát triển nền bóng đá khu vực. Từ SEA Games, với đội U.23 bước lên cấp đội tuyển, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia phóng tầm nhìn ra sân chơi thế giới và hiện tại đội tuyển của họ cũng đang thi đấu tại các vòng loại World Cup, Olympic… Bóng đá Việt Nam nên học tập điều này.

Nhưng cũng từ SEA Games, bóng đá Đông Nam Á lại có một hệ lụy khác, diễn biến theo chiều ngược lại. Một số quốc gia muốn mau chóng tiếp cận trình độ khu vực (dù bóng đá khu vực này vốn bị gọi là “ao làng”) đã chọn cách đi “tắt” bằng việc ồ ạt nhập tịch các cầu thủ nước ngoài, không khác gì đội quân “đá chầu”, “đánh thuê” như Philippines, Đông Timor… Trong tương lai, có thể Myanmar, Brunei và biết đâu chừng Việt Nam cũng học cách làm này. Cách này không đúng đắn trong thời điểm hiện nay đối với bóng đá Đông Nam Á.

Vì vậy, qua vòng loại bảng, mới thấy Malaysia là điểm sáng duy nhất. Họ có sự chuẩn bị từ xa, có hệ thống, chiều sâu, sự thống nhất cao về hoạch định lối chơi, phong cách chơi. Họ xứng đáng thay thế Thái Lan trở thành “ông trùm” bóng đá khu vực, ứng viên số 1 của chức vô địch.

Ở một chiều ngược lại, tôi cho rằng, đội U.23 Việt Nam là một thất vọng lớn. Cho dù, chúng ta cũng đạt được mục tiêu giành ngôi đầu bảng B, nhưng chất lượng chuyên môn không đạt yêu cầu. Đội bóng đem lại hết nỗi lo này đến nỗi lo khác. Từ cách tổ chức đội bóng, kỷ luật trong lối chơi, phong cách chơi, khả năng phô diễn đã đánh mất ý chí, sự tự tin của cầu thủ… Đó là một thất bại về tư tưởng đáng suy gẫm và cần chấn chỉnh ngay lập tức. Tôi cho rằng, vấn đề này là trách nhiệm của VFF trong khâu chuẩn bị, giáo dục cầu thủ vốn bỏ mặc cho ban huấn luyện.

Lãnh đạo VFF đi theo đoàn đã không thấy hết vai trò và trách nhiệm của mình và ban huấn luyện người Việt của đội không đủ uy tín, kể cả uy tín với HLV ngoại quốc, uy tín với cầu thủ, không có khả năng phản biện mà chỉ mới làm tròn việc, chỉ đâu làm đấy.

Phía trước đội U.23 Việt Nam còn 2 trận đấu nữa, hai lần công diễn làm mát lòng người hâm mộ quê nhà. Tôi hy vọng họ làm được. 

NGUYỄN VĂN VINH

Tin cùng chuyên mục