Góp sức làm nên huyền thoại

Sau cuộc Đồng Khởi năm 1960, nhằm đáp ứng nhu cầu đưa nhanh vũ khí vào chiến trường miền Nam, một đơn vị tương đương cấp sư đoàn được thành lập. Lấy phiên hiệu Đoàn 962, đoàn tổ chức xây dựng các bến tại Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa để tiếp nhận vũ khí từ Đoàn tàu không số. Nói đến những chiến công làm nên huyền thoại của Đoàn tàu không số, không thể không nhắc đến những bến bờ yêu thương mà các mẹ, các chị - những người lính lặng lẽ, đặc biệt góp phần làm nên chiến công bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Góp sức làm nên huyền thoại

Sau cuộc Đồng Khởi năm 1960, nhằm đáp ứng nhu cầu đưa nhanh vũ khí vào chiến trường miền Nam, một đơn vị tương đương cấp sư đoàn được thành lập. Lấy phiên hiệu Đoàn 962, đoàn tổ chức xây dựng các bến tại Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa để tiếp nhận vũ khí từ Đoàn tàu không số. Nói đến những chiến công làm nên huyền thoại của Đoàn tàu không số, không thể không nhắc đến những bến bờ yêu thương mà các mẹ, các chị - những người lính lặng lẽ, đặc biệt góp phần làm nên chiến công bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển.

        Người lính thầm lặng

Cụm bến A101 là cánh rừng ngập mặn các xã Thới Thuận, Thừa Đức huyện Bình Đại, nơi cửa biển Thạnh Phong, Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre. Đây là vị trí chủ yếu đứng chân của Ban Chỉ huy Đoàn 962. Nơi đây có vai trò quan trọng bởi vừa là bến tiếp nhận, vừa là trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển, đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát, trang bị cho lực lượng chiến đấu của tỉnh Bến Tre và Quân khu 8.

Bà Nguyễn Thị Hết, 71 tuổi, cựu y tá cụm bến A101 năm xưa, tâm sự: “Lúc đó đang công tác y tế ở địa phương thì tôi được các chú chọn và gọi về công tác ở bến A101. Cách mạng cần là tôi đi. Khi biết được công tác đặc biệt của mình, tôi rất tự hào dù cuộc sống nơi đây rất gian khổ. Nhiều năm liền chúng tôi không được về thăm nhà, bí mật với cả người thân của mình”.

Các bạn trẻ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ của Đoàn 962 năm xưa.

Các bạn trẻ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ của Đoàn 962 năm xưa.

Không chỉ đối mặt với những trận càn quét khốc liệt của địch, bà và đồng đội phải chịu nhiều thiếu thốn, khổ nhất là thiếu nước ngọt. Những con đường tiếp tế nước ngọt bị phong tỏa, mọi người phải học cách chưng cất nước ngọt để dùng, hết sức tằn tiện. Gọi là những người lính lặng lẽ vì mọi sinh hoạt của các cô, các chị đều bí mật, việc nấu cơm, nấu nước pha chế thuốc đều phải hoàn tất trước khi trời sáng, tránh khói lên làm địch phát hiện. Hầu như từng phút từng giây phải đối đầu với nguy hiểm, có thể hy sinh cả tính mạng của mình nhưng người phụ nữ này vẫn không chùn bước. Bà không sao quên được trận càn ác liệt 7 ngày đêm của địch vào đầu năm 1967. Địch huy động cả sư đoàn mấy ngàn quân nhằm tìm diệt căn cứ của ta. Thương binh về nhiều quá, có những ca khó, vượt quá khả năng nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bà phải gồng mình giải phẫu.

“Thật đau lòng khi buộc phải dùng cưa sắt cưa chân thương binh. Chúng tôi như con thoi, hết lo giải phẫu, chăm sóc vết thương rồi lo chuyện ăn uống cho các anh. Có lúc phải khiêng thương binh xuống xuồng chạy trối chết để tránh càn. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng không hiểu hồi đó mình lấy đâu ra sức lực để vượt qua hiểm nguy như thế”, bà Hết cười móm mém.

Ngồi cạnh bà Hết, người đồng đội Lâm Thị Tâm, 64 tuổi, nói thêm: “Tôi vô rừng khi mới 15 tuổi, lúc đó mẹ tôi đấu tranh chính trị bị bắt vào tù. Trận càn 7 ngày đêm năm đó tôi nhớ như in. Trên đường chuyển thương binh về trạm quân y, các chú thay nhau bơi xuồng, tôi có nhiệm vụ giữ chặt anh Chiến. Anh bị thương quá nặng vào đầu và mặt, cứ đòi nhào xuống sông tự tử. Vừa lau máu, tôi phải vừa động viên anh, người ta cụt tay cụt chân mà vẫn sống, huống hồ anh còn đi được”…

“Khó khăn gian khổ là vậy nhưng người dân quê tôi rất lạc quan. Cứ chiều chiều, đội văn nghệ chúng tôi tụ tập múa hát. Tôi được các chú Đoàn 962 tập những bài hát cách mạng, được học y tá, cứu thương rồi đưa về trạm quân y công tác. Lần đó tôi mang thai được 6 tháng, địch càn, tôi lấy bịch ni lông quấn chặt ba lô rồi bập bõm lội qua sông, cũng may hai mẹ con không hề gì”, bà Lê Thị Mới, 66 tuổi, y tá kiêm giao liên bến B22 nhớ lại.

Do yêu cầu công tác, chồng của bà được chuyển đến bộ phận vận chuyển vũ khí, bà vừa làm nhiệm vụ ở trạm vừa nuôi con. Đôi vợ chồng trẻ mà xa nhau biền biệt. Cũng do công tác bí mật, ông cùng một nữ thanh niên xung phong thường xuyên thực hiện các chuyến chở vũ khí từ kho hàng trên đất bạn Campuchia về Việt Nam. Sự gần gũi trong gian khổ hiểm nguy khiến hai người phát sinh tình cảm và có con với nhau. Bà được tin, lòng đau như cắt và lặng lẽ rút lui…

        Bến cảng lòng dân

Năm 2011, đơn vị B22 được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thành tích xuất sắc của B22 có sự góp sức không nhỏ của những người mẹ, người chị sẵn sàng hy sinh, chịu đựng mất mát. Trong số 4 bến của Đoàn 962 thì bến Vàm Lũng, Cà Mau vinh dự đón tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến an toàn, mở thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông. Và đây cũng là bến tiếp nhận hiệu quả nhất, là điểm sáng của con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường độc nhất vô nhị, chưa có tiền lệ trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới của thế kỷ 20. Những đồng đội ở bến Vàm Lũng vẫn còn nhớ câu chuyện của bà Nguyễn Kim Hoa, cán bộ hậu cần và bốc dỡ vũ khí. Ca của chị sinh khó, buộc phải chuyển lên dân y tỉnh. Chồng chị lái xuồng vượt sông Năm Căn trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc: biệt kích, tàu địch tuần tra liên tục, máy bay bắn phá ngày đêm. Mất 12 giờ mới đến được trạm dân y thì đứa con đầu lòng của chị không cứu kịp. May mắn hơn chị Hoa là câu chuyện của bà Đoàn Ngọc Diệp nay đã 84 tuổi, cựu chiến sĩ binh vận, hậu cần bến Vàm Lũng. Vì thương chồng, từ Thạnh Phú Bến Tre, bà vượt sông Hàm Luông đi dọc theo các cửa sông, luồn rừng ngủ bụi tìm đến Vàm Lũng đoàn tụ với chồng - một cán bộ cơ yếu của Đoàn 962. Ông lấy bí danh là Tư Mắm, hai người con đặt tên Đước và Dẹt. “Vì ông ấy yêu rừng Cà Mau nên muốn lấy tên cây rừng đặt cho con. Cây đước, cây dẹt có bộ rễ rất khỏe, vợ chồng tui đặt tên con là cũng gửi gắm làm người phải nỗ lực, phải có bản lĩnh chống chọi với hoàn cảnh, thiên nhiên khắc nghiệt. Một khi rễ cắm sâu vào đất thì không dông bão nào quật ngã được”, bà cụ mắt long lanh.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, chia sẻ: “Nếu không có những người mẹ, những người vợ trung kiên, chịu đựng oan khuất, dấn thân và sẵn sàng hy sinh để giữ bí mật đường dây; nếu không có những người chị, người em, người cháu sẵn sàng chôn vùi tuổi xuân của mình trong những cánh rừng bí mật phục vụ công tác hậu cần, cứu thương, quân trang, bốc dỡ vũ khí mà khi cần họ hy sinh mạng sống để bảo vệ bến… thì liệu con đường Hồ Chí Minh trên biển có thông suốt, có làm nên những chiến tích lẫy lừng? Nếu như trên biển có 76 đồng chí hy sinh cùng các con tàu thì ở các bến có gần 1.000 đồng bào, chiến sĩ hy sinh để bảo toàn bí mật cho các cụm bến. Hai chữ lòng dân thiêng liêng như vậy đó”.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục