Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Cần thực chất và đổi mới

Xa rời thực tế
Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Cần thực chất và đổi mới

Đã qua 4 lần chỉnh sửa nhưng Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) vẫn né tránh và chưa làm rõ: vấn đề xã hội hóa giáo dục, phân tầng đại học, liên kết hợp tác quốc tế… Với những thiếu sót nghiêm trọng này, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo diễn ra ở TPHCM ngày 28-4 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội chủ trì, nhiều chuyên gia đã kiến nghị hoãn trình dự thảo luật lên Quốc hội và cần thiết phải soạn thảo lại.

GS-TSKH Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.HÙNG

GS-TSKH Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.HÙNG

Xa rời thực tế

Khi nghiên cứu và đối chiếu các điều, mục, chương của dự thảo, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng dự thảo là kết quả của một sự trích dẫn, sắp xếp lại có sử dụng một số nội dung trong điều lệ trường ĐH. Dự thảo dẫn về Luật Giáo dục 2005 ở nhiều điều không khỏi khiến người đọc cho rằng bộ lúng túng, chưa có giải pháp thể hiện sự quyết tâm đổi mới thật sự về quản lý nhà nước...

GS Trân nhấn mạnh: “Tôi không rõ về quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng và mục đích yêu cầu của luật, bộ và ban soạn thảo có xem đây là một cơ hội tốt để giải quyết các yếu kém của ĐH hiện nay hay không?”.

Với kinh nghiệm 16 năm thực hiện mô hình trường ĐH tư thục, PGS-TS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ cho rằng, dự thảo chưa thể hiện sự công bằng vì đã là luật thì không phân biệt giữa trường công hay trường tư.

Dự thảo không luật hóa rõ vấn đề chất lượng, không thừa nhận trường tư thục không vì lợi nhuận thì làm sao thu hút được sự đóng góp của những nhà đầu tư tâm huyết ngoài xã hội cho GDĐH? Do đó, theo PGS-TS Hồ Đắc Lộc, để dự thảo thành luật, cần thực tế và cụ thể hơn.

Trong khi đó, GS-TSKH Phan Kỳ Phùng, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng lại băn khoăn về việc dự thảo chưa làm rõ thế nào là tự trị ĐH (tự chủ đại học - PV), không đề cập đến vấn đề hội đồng trường.

Theo GS Phùng, muốn một trường ĐH phát triển, không thể không có hội đồng trường. Hơn nữa, ban soạn thảo cũng bỏ qua mục tiêu phát triển của Việt Nam là theo đại chúng hay tinh hoa? Nếu không làm rõ cấu trúc và phân tầng ĐH, khó để GDĐH phát triển đúng hướng.

Theo nhiều đại biểu, dự thảo dường như cố tình né tránh và chưa giải quyết thỏa đáng những đòi hỏi bức thiết mà thực tế đòi hỏi. Do đó, nhiều đại biểu cũng đồng tình với kiến nghị của GS Trân: “Cần một Luật GDĐH thực chất và đổi mới”. 

Chưa nên trình Quốc hội

Là người luôn trăn trở và quan tâm đến những quyết sách liên quan đến giáo dục nước nhà, đánh giá về dự thảo, GS Phạm Phụ cho rằng: Một bộ luật phải tạo ra hành lang pháp lý cho một số đường lối chính sách của Nhà nước nhưng hiện nay chúng ta chưa có chiến lược giáo dục.

Sau 2 năm (2008-2009) soạn thảo chiến lược giáo dục nhưng khi đưa ra, dự thảo này bị xã hội bác, Bộ GD-ĐT im lặng. Sau đó, Bộ Chính trị có thông báo kết luận yêu cầu Bộ GD-ĐT chuẩn bị chiến lược giáo dục nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội để trình Đại hội Đảng lần thứ XI nhưng vẫn chưa có. Nói cách khác, Bộ GD-ĐT đã không thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị.

Theo GS Phụ, trong buổi đón GS Ngô Bảo Châu tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã xác định cải cách GDĐH là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đường lối, chính sách, chiến lược mà chúng ta nhảy vào làm Luật GDĐH là làm theo quy trình ngược. Vì vậy, gần như tất cả những vấn đề gay cấn, then chốt nhất của GDĐH trong dự thảo đều được né tránh.

Dẫn chứng về những thiếu sót trên, GS Phụ nêu rõ: Bài toán phân tầng, bài toán giữa số lượng và chất lượng, cả thế giới đã thảo luận 40 năm nay và đã đưa ra đáp án là phải tổ chức phân tầng nền GDĐH (như ĐH nghiên cứu, CĐ cộng đồng…) nhưng trong dự thảo lại không thấy nêu.

Đề cập đến vấn đề mà dư luận đang quan tâm đó là việc liên kết, hợp tác quốc tế, GS-TSKH Phan Kỳ Phùng thẳng thắn cho rằng điều 31 quy định về hợp tác quốc tế quá chung chung. Ông nói: “Chúng ta thừa nhận dịch vụ giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa nhưng màu sắc cơ chế thị trường cũng như việc cạnh tranh giữa các trường ĐH không được nói đến. Nước ngoài đến đầu tư trường ĐH thì được phép như thế nào… vẫn không được nói rõ”.

Trước hàng loạt những thiếu sót của dự thảo, GS Phạm Phụ nhận xét: “Dự thảo là một bước thụt lùi”. Vì vậy GS Phụ kiến nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội chưa nên trình Quốc hội dự thảo này mà nên soạn thảo lại một cách bài bản.

Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Cần thực chất và đổi mới ảnh 2

SV Khoa Hóa ĐH Bách khoa thực hành thí nghiệm chưng cất.
Ảnh: MAI HẢI

* GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng: Luật GDĐH là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dự thảo đúng là chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng để thể hiện rõ đường lối, chính sách của nhà nước. Dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện và dự kiến đến kỳ họp Quốc hội thứ 2, dự thảo mới được đưa ra xem xét.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục