(SGGP).- Chiều 4-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.
Theo PGS-TS Trương Văn Chung, Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM): nội dung khoản 14, Điều 2 “tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo” là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến hiểu lầm, hoặc không phân biệt rõ được trong đời sống thực tế hiện tượng thuộc tín ngưỡng và hiện tượng thuộc tôn giáo. Đặc biệt sẽ rất khó khăn để phân biệt, tách bạch một số hình thức tôn giáo mới (hoặc đạo lạ) với các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, chủ lưu ở Việt Nam hiện nay; đồng thời đề nghị sửa lại thành: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là một phân nhánh trong hệ thống tổ chức tôn giáo được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”.
Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM góp ý, ở khoản 2, Điều 36, cần rút ngắn thời hạn thông báo từ 20 ngày xuống còn 7 ngày kể từ ngày có văn bản về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, để tránh trường hợp lợi dụng gây ra những hậu quả đáng tiếc cho tổ chức tôn giáo hoặc cho xã hội. Ngoài ra, tại Điều 15 “Quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng”, đề nghị nhà nước không can thiệp vào mà để các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng tự chịu trách nhiệm. Khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết theo dân sự, tránh tình trạng như tranh chấp tài chính ở các ban quản trị chung cư.
Ngoài ra, tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia, chức sắc tôn giáo tập trung ý kiến, góp ý nhiều vấn đề khác như: tên gọi của dự thảo luật; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài; phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; công tác phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tôn giáo…
PHẠM MINH