Góp ý Dự thảo Luật Viên chức: Hết “sống lâu lên lão làng”?

Nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nội vụ vừa ban hành Dự thảo Luật Viên chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Tại hội thảo góp ý cho dự luật này tổ chức tại TPHCM mới đây, nhiều ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương và các địa phương đều cho rằng Luật Viên chức nếu được thông qua sẽ góp phần cải cách có hiệu quả hoạt động khu vực dịch vụ công theo hướng hiện đại, năng động và nâng cao chất lượng phục vụ người dân được tốt hơn.
Góp ý Dự thảo Luật Viên chức: Hết “sống lâu lên lão làng”?

Nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nội vụ vừa ban hành Dự thảo Luật Viên chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Tại hội thảo góp ý cho dự luật này tổ chức tại TPHCM mới đây, nhiều ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương và các địa phương đều cho rằng Luật Viên chức nếu được thông qua sẽ góp phần cải cách có hiệu quả hoạt động khu vực dịch vụ công theo hướng hiện đại, năng động và nâng cao chất lượng phục vụ người dân được tốt hơn.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Luân chuyển để tạo động lực

Dự thảo Luật Viên chức gồm 10 chương, 92 điều quy định quyền và nghĩa vụ; việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng, khen thưởng, đãi ngộ, xử lý vi phạm đối với khoảng hơn 1,6 triệu người đang làm việc và hưởng lương từ các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhằm tạo điều kiện cho viên chức phát huy hết khả năng, trình độ chuyên môn vào hoạt động cộng đồng, dự luật cho phép viên chức được tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp, công ty tư nhân, hợp tác xã, trường học, bệnh viện tư và các tổ chức nghiên cứu khoa học tư theo quy định của pháp luật.

Viên chức cũng được phép làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước về các công việc có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Đặc biệt, khác với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập còn được tham gia các hoạt động gắn với nghề nghiệp của mình. Trong khi phục vụ nhân dân và xã hội, nếu bị thương hoặc hy sinh thì viên chức được xem xét hưởng chế độ chính sách như thương binh hoặc công nhận là liệt sĩ. Viên chức đến tuổi nghỉ hưu, tùy theo nhu cầu của đơn vị, có thể được kéo dài hợp đồng thêm 5 năm nhưng không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý…

Điểm khác biệt khác giữa cán bộ, công chức với viên chức là về chế độ tuyển dụng và sử dụng viên chức trong Luật Viên chức. Đó là, thay vì thi tuyển thì viên chức có thể chỉ xét tuyển. Sau khi trúng tuyển, viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng làm việc theo chế độ dài hạn (từ 3 năm trở lên), ngắn hạn (từ đủ 1 năm đến dưới 3 năm) và đặc biệt (dưới 18 tuổi). Ở điểm này, cũng giống như Bộ luật Lao động, viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Hay việc bổ nhiệm viên chức vào vị trí quản lý được áp dụng có thời hạn từ 3 năm đến 5 năm; viên chức không đảm đương được nhiệm vụ quản lý, hoặc do vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức bị thi hành kỷ luật cách chức sẽ bị miễn nhiệm. Với quy định này, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và hy vọng sẽ giảm được tình trạng “sống lâu lên lão làng” như lâu nay.

Tuy nhiên, theo ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, dự luật cần quy định chặt hơn về tiêu chuẩn xét tuyển của từng chức danh nghề nghiệp, từng loại công việc để tránh tình trạng đã được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào vị trí quản lý là yên tâm “ngồi” đến già, còn làm việc được hay không cũng kệ.

Về hình thức thăng hạng viên chức (thay cho nâng ngạch công chức), ông Hà Duy Ngọ, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng, viên chức là nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nghệ sĩ… sẽ rất dị ứng ở từ “hạng” vì những người làm công việc này không thể có hạng 1, hạng 2, hay hạng 3, hạng 4 được.

Cũng liên quan đến tình trạng “sống lâu lên lão làng”, ông Ngọ đề nghị dự luật cần bổ sung quy định luân chuyển viên chức giữa các đơn vị, cơ quan, hay giữa ngành này với ngành khác… “Có luân chuyển mới tạo động lực để viên chức làm việc đúng nghề, đúng sở trường của mình hơn. Trên thực tế từ lâu nay, nhiều người “ngồi nhầm” công việc mà không biết làm sao, đành phải chấp nhận cho đến già ở mãi một công việc, một cơ quan. Như vậy thì thật là phí…” – ông Ngọ đề nghị.

Quy định cụ thể chế độ đãi ngộ

Theo dự báo, trong tương lai, đội ngũ viên chức sẽ lên đến hàng triệu người, mới có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng ở các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động - thương binh và xã hội, thông tin - truyền thông, tài nguyên - môi trường…

Theo Cục phó Cục Nhà giáo Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hải Thập, Luật Viên chức cần quy định cụ thể hơn về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài. Thực tế ở một số ngành và lĩnh vực đang có tình trạng “chảy máu” chất xám từ khu vực dịch vụ công sang khu vực tư. Trong đó, ngành giáo dục, đào tạo và y tế là rõ nhất. Hiện thu nhập ở 2 ngành này giữa công và tư đang có khoảng cách rất lớn. Bác sĩ ở bệnh viện tư được trả thù lao cho một ca mổ lên đến cả chục triệu đồng. Trong khi đó một bác sĩ ở bệnh viện công chỉ được trả vài trăm ngàn đồng. Chính vì vậy, ông Thập đề nghị Luật Viên chức phải làm rõ các quy định về đãi ngộ làm sao cho tương xứng với từng chức danh nghề nghiệp, từng vị trí công việc, không thể cào bằng mãi như lâu nay được.

Theo tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Cán bộ - công chức, đội ngũ viên chức đã được nâng cao và phát triển về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Nếu năm 2006, tổng số viên chức của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.435.000 người, đến nay đã lên khoảng 1.650.000 người. Khi Luật Viên chức ra đời, đội ngũ viên chức sẽ có điều kiện phát triển mạnh. Đồng thời, hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức sẽ được khẳng định hơn trong xã hội, qua đó hạn chế những tiêu cực, giảm các biểu hiện về thiếu tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người dân, yếu kém về năng lực và trình độ nghề nghiệp ở một bộ phận viên chức sự nghiệp và hạn chế tình trạng phiền hà, sách nhiễu người dân vốn tồn tại nhiều năm qua trong đội ngũ viên chức.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục