Góp ý nhiều dự thảo luật sửa đổi: Cần “phân quyền trọn gói” và tháo gỡ cho nhà đầu tư

 Sáng 24-12, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo góp ý các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Tham dự có các đại biểu Quốc hội, đại diện sở ban ngành, quận huyện, hiệp hội, doanh nghiệp…

Hầu hết các dự thảo luật được sửa đổi lần này theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương, mở rộng quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chẳng hạn, cho cấp tỉnh được quyết định đầu tư dự án dưới 300ha hoặc dưới 50.000 dân; đồng thời mở rộng các loại đất được đưa vào đầu tư. Tuy nhiên, “việc phân quyền này cần phải phân trọn gói thì địa phương mới không phải xách cặp đi xin các bộ ngành. Chẳng hạn như hoạt động đánh giá tác động môi trường hiện nay vẫn thuộc quyền của bộ nên cấp tỉnh vẫn phải xin ý kiến, thì vẫn còn chồng chéo, khó khăn trong quyết định đầu tư”, đại điện Sở TN-MT đề xuất. 

Góp ý Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng luật sửa đổi bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là đi ngược với chủ trương xóa bỏ đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, việc xác định đủ điều kiện kinh doanh là để phục vụ cho việc kiểm tra chứ không phải phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận, do vậy đưa vào điều kiện cấp giấy sẽ dễ dẫn đến mua giấy đủ điều kiện kinh doanh và làm tăng thêm nhân sự cấp giấy.

Tương tự, Luật Doanh nghiệp quy định bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh nhưng lại bắt ghi mã ngành kinh doanh thì không hợp lý. Bởi việc ghi mã ngành sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Chẳng hạn, hiện nay TPHCM có hơn 500.000 doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ hơn 200.000 doanh nghiệp hoạt động nên việc thống kê ngành nghề kinh doanh cũng dựa trên con số thật chứ không liên quan đến mã đăng ký.

Ngoài ra, góp ý dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, các đại biểu góp ý rằng, nếu dự thảo cho phép công ty TNHH 2 thành viên được quyền chào bán phần vốn góp của mình cho thành viên khác theo giá thỏa thuận thì sẽ dẫn đến rủi ro khi thành viên góp vốn đó là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, sau đó bán phần vốn góp theo giá thỏa thuận, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước. Do vậy, luật cần sửa đổi theo hướng chào bán thông qua đấu giá để có giá cạnh tranh.

Về Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu bức xúc khi cho rằng hiện nay luật này đang bị “vô hiệu hóa” trước tình trạng móc nối, móc ngoặc trong đấu thầu. Luật Thi hành án lần này chủ yếu chỉ sửa đổi, bổ sung về hoạt động ủy thác thi hành án nhằm giải quyết tình trạng chậm thi hành án. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng những sửa đổi lần này không giải quyết được bức xúc về sự chồng chéo của các quy định pháp luật, chậm trễ, định giá thấp… trong thi hành án. Cần có thêm điều khoản bổ sung để giải quyết thực trạng này.

Tin cùng chuyên mục