- Khen thưởng người lao động nhiều hơn
Tọa đàm về “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thiết thực hơn” do Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) TPHCM và Báo SGGP phối hợp tổ chức với sự tham gia của đại diện Ban TĐ-KT Trung ương, Ban TĐ-KT TP, quận huyện và các sở ngành được nhiều người chú ý.
Tại buổi tọa đàm, có nhiều ý kiến đề nghị cần đổi mới công tác bình xét khen thưởng nhằm giảm thiểu khoảng cách giữa những người lao động trực tiếp với cán bộ quản lý (năm 2009, UBND TP đã tặng bằng khen cho 11.001 cá nhân, trong đó cán bộ giữ chức vụ khoảng 90%, cán bộ không giữ chức vụ: 10% và nhân dân chỉ 3%).
Để tỷ lệ người lao động được khen thưởng nhiều hơn, tôi nghĩ Ban TĐ-KT là cơ quan “gác cổng” về công tác khen thưởng cần cương quyết hơn trong việc tham mưu đề xuất với Hội đồng TĐ-KT và UBND TPHCM. Báo cáo thành tích cá nhân phải có các “sản phẩm” rõ ràng và kết quả cụ thể.
Đối với cán bộ giữ chức vụ cần làm rõ trách nhiệm quản lý điều hành tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Nơi nào để người dân kêu ca phàn nàn hoặc báo chí phê phán, người đứng đầu không được xét khen. Người có chức vụ nhưng để cấp dưới tham ô, lãng phí của công hoặc để người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài… người đó không được khen thưởng.
Khi những người có chức vụ được đề nghị khen thưởng, cần lấy phiếu tín nhiệm của các đồng nghiệp cùng cấp. Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương phải do tập thể lãnh đạo ngành dọc cấp trên bình xét, đề nghị khen thưởng.
Bùi Hiển
- Nên khen thưởng đúng người, đúng việc
Đọc bài viết “Phong trào thi đua khen thưởng - Nhẹ gieo, nặng gặt”, đăng trên Báo SGGP ngày 17-3, tôi thấy vui vì buổi tọa đàm đã bắt đúng nhịp, mổ xẻ đúng vấn đề nhạy cảm mà dư luận quan tâm. Đó là hạn chế, tồn tại hay nói cách khác là lãnh đạo TP, Ban TĐ-KT TP đã nhìn ra những hạt sạn trong công tác này.
Lâu nay, với cách làm máy móc, nặng hình thức, thậm chí tắc trách của một số người làm công tác TĐ-KT đã vô tình làm triệt tiêu mầm mống của không ít nhân tố mới, cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới đất nước, làm giàu cho quê hương.
Chính vì áp dụng các quy định cứng nhắc, bắt buộc theo quy trình mà không bắt nhịp từ thực tiễn sinh động của cuộc sống, nên công tác TĐ-KT chỉ “nặng gặt mà nhẹ gieo” như bài báo đã đề cập. Cũng vì kết quả gặt hái từ những phong trào thi đua thường nghiêng về quan và ít có lính - những người trực tiếp lao động sản xuất hoặc tạo ra những ý tưởng hay, sáng kiến làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp… nên người thực làm cảm thấy buồn chán, thất vọng.
Không chỉ dừng ở đó, những người làm công tác TĐ-KT đã dũng cảm nhìn vào sự thật, tuy nó nhức nhối và đau lòng. Đó chính là chuyện chạy thành tích để khen thưởng hoặc “không xin, sao được thưởng”. Sau khi TPHCM và các quận huyện dám công khai nêu ra những điểm yếu, tồn tại về hoạt động TĐ-KT, tôi hy vọng công tác này sẽ được đổi mới, đi vào thực chất.
TPHCM đang bước vào thời kỳ bình phục sau cơn suy thoái kinh tế toàn cầu và từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Vì thế, để khuyến khích, động viên từ người lao động đến tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung sức chung lòng, phát huy nội lực, sáng tạo, tăng năng suất lao động…, công tác TĐ-KT phải bám rễ vào cơ sở, đời sống xã hội. Đã khen thì phải khen đúng người, đúng việc.
Việt Hưng