Tôi đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM để đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân (CCCD). Tôi rất ấn tượng với cách làm việc chu đáo, cẩn thận, lịch sự của các cán bộ, chiến sĩ ở đây. Ngay cả việc lấy dấu tay bằng thiết bị điện tử cũng tiện lợi và sạch sẽ hơn nhiều so với lăn mực như trước, được nhiều người hoan nghênh.
Theo giấy hẹn, ghi ngày trả là 22-2-2016, để “chắc ăn”, đến ngày 25-2 tôi mới trở lại nhận CCCD, nhưng sau một hồi lục các nơi, các cán bộ ở đây cho biết vẫn chưa có thẻ của tôi. Tôi hỏi, vì sao đã trễ hơn ngày hẹn đến 3 ngày mà vẫn chưa có, các anh trả lời rằng do Bộ Công an thực hiện, nên có khi chưa chuyển vào kịp. Cùng lúc với tôi, có vài người đến nhận CCCD cũng phải về không vì chưa có, mà bộ phận trả cũng không trả lời là ngày nào chắc có.
Để đỡ mất thời gian đi lại, tôi đành đăng ký dịch vụ bưu điện chuyển thẻ CCCD tận nhà cho tôi (có quầy đăng ký ngay cạnh bộ phận nhận hồ sơ, phí dịch vụ là 20.000 đồng). Sực nhớ đến việc phải có giấy xác nhận số chứng minh nhân dân và số thẻ CCCD là của một người, tôi trở lại phòng trả CCCD để hỏi các anh ở đây liệu đồng thời có CCCD và giấy xác nhận. Các anh vui vẻ cho biết là không chắc, vì có khi CCCD đã chuyển vào nhưng dữ liệu để làm giấy xác nhận chưa được truyền vào để in ra và ký tên, đóng dấu. Tôi hơi thất vọng, vì có thể bưu điện sẽ chỉ chuyển CCCD mà thiếu giấy xác nhận, như vậy tôi sẽ phải đi lại ít nhất một lần nữa. Tôi chia sẻ suy nghĩ này và hỏi nên làm sao, các anh tỏ ra rất thông cảm nhưng cũng không chỉ ra được cách nào hợp lý nhất. Cuối cùng, tôi phải trở lại quầy đăng ký của bưu điện để dặn kỹ nhân viên ở đây là chỉ chuyển khi nào có đủ CCCD và giấy xác nhận.
Dù không lấy được CCCD như lịch hẹn, nhưng tôi không lấy làm phiền, vì hoàn toàn chia sẻ một số khó khăn của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Theo quy trình thực hiện hiện nay, phòng không hoàn toàn chủ động việc xử lý, nhưng thời hạn xử lý thì vẫn phải ghi theo quy định, dù việc đáp ứng được thời hạn đó hay không thì phòng không tự quyết. Nhưng giá như phòng có cách nào khác để phục vụ người dân tốt hơn, sẽ được hoan nghênh hơn, hạn chế sự bất tiện cho người dân hơn. Trong đó, có những tiểu tiết nhưng cũng cần quan tâm, chẳng hạn mỗi lần gọi tên, nên gọi ông/bà/anh/chị, thay vì gọi tên trống không. Tại phòng chụp ảnh, nên có vài cái lược để người dân chải tóc trước khi chụp ảnh, thậm chí có thể để người dân xem ảnh trước (qua máy tính) để chắc rằng ảnh được chụp vừa ý. Nên phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để bảo đảm việc trả CCCD đúng hẹn; luôn chắc chắn rằng CCCD và giấy xác nhận (với người có yêu cầu) được cấp đồng thời.
TRỊNH MINH GIANG
(quận Thủ Đức, TPHCM)