Grab cần xin cấp phép kinh doanh vận tải tại các địa phương

Công ty TNHH Grab phải chấp hành các quy định của Nghị định 10, nghĩa là hoạt động tại địa phương nào, phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của địa phương đó. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 10.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Grab về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Nghị định 10/2020 (NĐ10) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Điều 35 của NĐ10, nếu Công ty TNHH Grab cung ứng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải nhưng có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì phải thực hiện trách nhiệm là một đơn vị vận tải.

Trong trường hợp này, Công ty TNHH Grab  phải chấp hành các quy định của NĐ10, nghĩa là hoạt động tại địa phương nào, phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của địa phương đó. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 18 của NĐ10.

Bộ GTVT cho biết, khoản 2 Điều 3 của NĐ10 quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Tại Điều 35 của NĐ10 cũng quy định rõ, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.

Trước khi có NĐ10, các đơn vị cung ứng dịch vụ taxi công nghệ như Grab đã gây tranh chấp với loại hình taxi truyền thống. Các ý kiến phản đối cho rằng, đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ kết nối rõ ràng có tham gia một số công đoạn chính của hoạt động vận tải nhưng lại không chịu sự quản lý như đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Giữa tháng 2-2020, Bộ GTVT đã quyết định dừng thí điểm thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Từ ngày 1- 4-2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải sẽ thực hiện theo NĐ10 vừa được ban hành.

Tin cùng chuyên mục