GS Nguyễn Minh Thuyết: Bằng cấp không phải là đích đến của giáo dục

Công thức 9 + 2 cho giáo dục phổ thông
GS Nguyễn Minh Thuyết: Bằng cấp không phải là đích đến của giáo dục

Nghị quyết Đại hội XI đã khẳng định cần phải “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”, xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT Việt Nam đã trở nên cấp thiết. Nhưng đổi mới từ đâu, đổi mới như thế nào? Thời gian qua, những nhà khoa học, giáo sư đầu ngành đã bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết với hy vọng nền giáo dục Việt Nam sẽ có một bước “lột xác” thực sự. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề này.

Công thức 9 + 2 cho giáo dục phổ thông

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết

- PV: Thưa GS, đổi mới giáo dục cấp thiết như thế nào thì ai cũng đã rõ nhưng có vẻ như chúng ta vẫn lúng túng về việc nên bắt đầu từ đâu?

GS NGUYỄN MINH THUYẾT: Từ đổi mới đến nay, giáo dục nước ta đạt nhiều thành tựu nhưng cũng có không ít hạn chế, khuyết điểm. Thành tựu là to lớn, căn bản, nhưng hạn chế, khuyết điểm cũng rất phổ biến và kéo dài. Khi một lĩnh vực có những hạn chế, khuyết điểm phổ biến và kéo dài như vậy, ta phải tìm nguyên nhân và giải pháp trước hết ở đường lối, chứ không phải ở công việc thực thi. Đối với giáo dục thì một trong những đường lối quyết định sự phát triển là quan điểm về mục tiêu đào tạo.

- Vậy GS cho rằng nên thay đổi quan điểm về mục tiêu giáo dục như thế nào?

Từ trước tới nay vẫn tồn tại hai quan điểm về mục tiêu giáo dục. Thuyết “bản vị xã hội” quan niệm phải lấy việc đáp ứng nhu cầu xã hội làm mục tiêu giáo dục. Đây là quan niệm phổ biến vào thời kỳ cổ đại và trung đại, từ Đông sang Tây. Mục tiêu của giáo dục lúc đó là đào tạo người phục vụ vương quyền, thần quyền, ví dụ ở Trung Quốc và Việt Nam thời xưa, không triều đại nào giáo dục không nhằm đào tạo quan lại.

Ngược với thuyết này, những người chủ trương thuyết “bản vị cá nhân” lấy việc phát triển, hoàn thiện nhân cách của cá nhân làm mục tiêu giáo dục. Quan điểm này phát triển từ thời kỳ Phục Hưng, khi người ta lấy con người làm trung tâm, từ đó xem xét mọi giá trị và định hướng trong xã hội.

Ở nước ta, cho đến nay, trong mục tiêu giáo dục, sự phát triển của cá nhân vẫn chỉ được đề cập như là phẩm chất mà công dân cần có để thực thi nghĩa vụ xã hội của mình. Chưa bao giờ chúng ta nhận thức rõ sự phát triển đa dạng về nhân cách của người học là một mục tiêu giáo dục, mặc dù không ít lần bày tỏ mong muốn “biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục”.

Để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết của Đại hội XI, trước hết, cần đổi mới mục tiêu giáo dục. Lúc này, một mục tiêu giáo dục dễ đạt được sự đồng thuận hơn cả là kết hợp hài hòa sự phát triển tự do của cá nhân với sứ mệnh đào tạo nhân lực phục vụ xã hội.

- Mục tiêu giáo dục mới tất yếu dẫn đến quan niệm mới về định hướng phát triển của giáo dục nước nhà. Vậy theo ông, nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới phải theo định hướng nào?

Phải là một nền giáo dục thực học và dân chủ. Để đáp ứng mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ xã hội, thực học có nghĩa là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có tính ứng dụng cao, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với tư tưởng thực học, hệ thống giáo dục phổ thông cũng cần được xem xét lại. Việc kéo dài thời gian học phổ thông tới 12 năm tỏ ra không phù hợp với hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước nói chung. Theo quan điểm của tôi, nên thiết kế hệ thống này theo công thức 9 + 2, tức là đại bộ phận học sinh chỉ học chương trình giáo dục cơ bản 9 năm; sau đó, tùy sở nguyện, sở trường và kết quả học tập mà vào trường trung học nghề hoặc trung học phổ thông 2 năm với chương trình tự chọn gồm các môn phục vụ chuyên ngành tương lai do người học tự xác định.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với sở nguyện, sở trường của mỗi cá nhân, thực học có nghĩa là chuyển đổi từ chương trình theo định hướng nội dung, thiên về trang bị kiến thức thành chương trình theo định hướng năng lực, làm nảy sinh ở người học nhu cầu khám phá thế giới, khám phá năng lực của bản thân để phát triển.

Có cơ chế để xã hội giám sát hoạt động giáo dục

- Còn dân chủ?

Thực học phải đi đôi với dân chủ. Dân chủ là một thuộc tính tất yếu của giáo dục để thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời để đảm bảo cho sự hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của mỗi người phù hợp với sở nguyện, sở trường và điều kiện của họ.

Dân chủ trước hết là đảm bảo quyền và trách nhiệm của xã hội tham gia phát triển và quản lý giáo dục. Suốt thời gian qua, xã hội hóa chỉ được triển khai theo hướng lập chế độ học phí để người dân chia sẻ gánh nặng cùng Nhà nước nhằm duy trì hoạt động giáo dục và thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để mở trường. Còn về việc tham gia quản lý giáo dục thì cho đến nay chưa có quy định nào về cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục ở địa phương mình. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục, quyền chủ động của giáo viên và quyền của người học đóng góp vào quá trình thực hiện hoạt động giáo dục chưa được đảm bảo bằng những chính sách rõ ràng, khả thi.

- Xem ra, một nền giáo dục dân chủ cũng phải hướng đến việc xây dựng xã hội học tập thưa GS? Vậy thì, hình thức vừa học vừa làm (tại chức) sẽ phải đổi mới như thế nào để bảo đảm chất lượng?

Một nội dung quan trọng của dân chủ là tạo điều kiện để mỗi người trong xã hội hưởng thụ thành quả giáo dục (xây dựng xã hội học tập). Điều này thì trong thời gian qua cũng chưa được quan tâm.

Mặc dù các nghị quyết của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng và đề ra những định hướng phát triển xã hội học tập nhưng việc triển khai trong thực tế chưa có chuyển biến đáng kể. Động cơ mở lớp, động cơ đi học phần lớn không đúng như mục đích xây dựng xã hội học tập. Để tiến tới một xã hội học tập, trong đó người lao động có thể học bất kỳ một học phần nào nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng, phục vụ cho công việc của mình, không nên quan niệm cứng nhắc giáo dục thường xuyên phải tổ chức thành những lớp học riêng, học phải lấy bằng. Cần quan niệm là tùy điều kiện thời gian của mình và khả năng tiếp nhận của cơ sở giáo dục, người học có thể theo học cùng sinh viên chính quy hoặc học lớp riêng. Nhưng để đảm bảo giáo dục thường xuyên có mặt bằng ngang với mặt bằng đào tạo chính quy, những người có nguyện vọng học lấy bằng hay tín chỉ cần thi học phần, thi tốt nghiệp chung với sinh viên chính quy.

Thị trường lao động phải tạo áp lực để giáo dục thay đổi

- Còn về nội dung và phương pháp dạy học, nếu định hướng nền giáo dục theo hướng thực học và dân chủ như ông nói, thì phải đổi mới như thế nào?

Nó thể hiện ở sự khai phóng. Tức là cởi mở về tư tưởng, học thuật, tạo điều kiện cho người học sáng tạo và phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Có khai phóng thì giáo dục và xã hội mới tạo ra được những lớp người dám nghĩ, dám làm.

- Để đổi mới giáo dục thành công, không thể không chỉ rõ các nguyên nhân. Theo GS, đâu là nguyên nhân sâu xa nhất hạn chế chất lượng giáo dục của nước ta?

Đó là do nền kinh tế và thị trường lao động chưa tạo được sức hấp dẫn và áp lực buộc giáo dục phải thay đổi.

Với một nền kinh tế chỉ dựa trên lắp ráp, gia công, khai khoáng, nông nghiệp cổ truyền cùng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chuyển nhượng đất đai thì mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao không có cơ sở thực tế, do đó giáo dục sẽ không có động lực thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế nhà nước, chưa vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường, từ đó đẻ ra một thị trường lao động không công bằng và một nền giáo dục ứng thí, đi học chỉ cốt lấy bằng nhằm đáp ứng “tiêu chuẩn cán bộ’’, chứ không cần thực học.

Phải tìm cách thích nghi với một thị trường lao động như vậy, lớp trẻ nếu không bị tha hóa về nhân cách thì cũng ít có động cơ chính đáng trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình. Cho nên, muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục thì Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, nhân ái, tạo môi trường xã hội tích cực để hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho tuổi trẻ học đường.

Giáo dục là một bộ phận của xã hội, vì vậy sự nghiệp đổi mới lĩnh vực này chỉ có thể thành công với điều kiện kinh tế - xã hội được đổi mới.

  • GS Nguyễn Minh Thuyết:

"Đổi mới một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng chục triệu người học như giáo dục không phải dễ dàng. Nhưng đó là công việc nhất thiết phải làm để thực hiện ước nguyện đưa dân tộc ta bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới"

Phan Thảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục