GS-TS Nguyễn Thuyết Phong: Tìm giải pháp quảng bá cồng chiêng

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam) vừa tham dự Hội nghị quốc tế chuyên gia cấp cao cồng chiêng Đông Nam Á, tổ chức tại TP Osaka, Nhật Bản. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông về một số vấn đề đặt ra trong hội nghị.
GS-TS Nguyễn Thuyết Phong: Tìm giải pháp quảng bá cồng chiêng

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam) vừa tham dự Hội nghị quốc tế chuyên gia cấp cao cồng chiêng Đông Nam Á, tổ chức tại TP Osaka, Nhật Bản. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông về một số vấn đề đặt ra trong hội nghị.

* Phóng viên:
Hội nghị đã hoạt động và bàn luận các vấn đề về cồng chiêng Đông Nam Á ra sao, thưa giáo sư?

* GS-TS NGUYỄN THUYẾT PHONG: Hội nghị diễn ra nghiêm túc và rất khoa học tại hội trường lớn Bảo tàng quốc gia Dân tộc học Nhật Bản (Minpaku). Vấn đề trọng tâm được nêu là Sưu tầm tư liệu Dân tộc nhạc học, phương tiện nghe nhìn về cồng chiêng Đông Nam Á. GS-TS Ken’ichi Sudo, Tổng Giám đốc Bảo tàng Minpaku, đã đưa đề dẫn quan trọng, mong đạt được sự thống nhất về giá trị văn hóa, lịch sử và hiệu quả âm thanh cồng chiêng. Hiện tại, Bảo tàng Minpaku là nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn về cồng chiêng Đông Nam Á.

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong phát biểu tại hội nghị.

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong phát biểu tại hội nghị.

* Cồng chiêng Tây Nguyên cũng có lịch sử lâu đời nhưng vị trí của nó như thế nào trong “bức tranh tổng thể” cồng chiêng Đông Nam Á, thưa GS?

* Tại hội nghị, chúng tôi đã giới thiệu về cồng chiêng Tây Nguyên với hai đặc điểm có vẻ nghịch lý: cồng chiêng Tây Nguyên không phải là đặc sản tại bản địa (non-native) mà là đến từ đồng bằng và tính sáng tạo từ địa phương (original creation) trong âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Nhưng để có được những âm giai cồng chiêng này phải chăng phải có âm giai của “tiền cồng chiêng”?

Chúng tôi nghĩ đó là âm giai của đá (như khánh đá N’dut Lieng Krak, do GS Georges Condominas tìm thấy cách đây khoảng 60 năm) và âm giai tre trúc đã có trước cồng chiêng. Tuy nhiên, âm giai đàn đá (đúng ra phải gọi là khánh đá chứ không phải là chiếc đàn) đã thất truyền vì cồng chiêng thay thế nó rồi. Sự chuyển tiếp từ đàn đá đến cồng chiêng diễn ra có thể cả ngàn năm. Trong mối chuyển tiếp này, âm thanh của nhạc cụ tre trúc là mối giao lưu mãi mãi tồn tại vì nó có sẵn trong thiên nhiên, dễ chế tác, không tốn kém, dễ gắn bó với cuộc sống con người Tây Nguyên.

Về vai trò quan trọng của cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống người dân Tây Nguyên cũng được chúng tôi giới thiệu tại hội nghị qua tư liệu nghe nhìn của Bộ Văn hóa - Thông tin gửi đến UNESCO và UNESCO đã chuyển đến tôi như vai trò một trong những người thẩm định, vào năm 2005; đồng thời qua tư liệu tôi đã xuất bản trong Bách khoa tự điển âm nhạc thế giới Garland và đĩa nhạc về Trường Sơn Tây Nguyên (Music of the Trường Sơn Mountains).

Những thông tin này mang sức thuyết phục toàn thể hội nghị về vấn đề nguồn gốc cồng chiêng từ đất liền ra biển và từ kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn đến những dị bản nhạc cụ bằng đồng ở hải đảo.

* Như vậy, có thể đã có “con đường cồng chiêng” (như “con đường tơ lụa”) trên biển thuộc khu vực Đông Nam Á?

* Có thể như vậy. Thật thú vị, điều này đã được TS Arsenio Nicolas (Đại học Mahasarakham, Thái Lan) nêu lên qua tham luận Cồng chiêng và giao lưu âm nhạc ở các hải đảo châu Á khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XVII. Sự định vị các địa điểm trục vớt dưới đáy biển những thương thuyền cổ bị đắm đã chứng minh sự có mặt của cồng chiêng là điều tất yếu trong lịch sử và văn hóa các nước khu vực Đông Nam Á.

* Chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì từ các nước, thưa GS?

* Nhìn chung, mỗi nước có hoàn cảnh và kinh nghiệm riêng được nêu lên qua hội nghị. So sánh, suy ngẫm hay rút ra kinh nghiệm gì, theo tôi vẫn tùy vào điều kiện hay chính sách văn hóa của mỗi nước.

Chẳng hạn ý kiến của GS Terada về trường hợp quảng bá cồng chiêng Kulingtan ở Nam Philippines (dàn cồng để trên khung gỗ dài. Khi một người đánh, có vài người chơi cồng lớn hơn đánh đệm). Tất nhiên, trường hợp và hoàn cảnh phổ biến nhạc cụ này rất khác với cồng chiêng Tây Nguyên vì nó là nhạc cụ của dân tộc đa số các nước Đông Nam Á hải đảo; cho nên, nhu cầu quảng bá, phổ biến của nó rất tập trung, mạnh mẽ. Ở Bali (Indonesia), nhạc sĩ Kartawan cho biết người ta chế tác và kinh doanh hàng loạt cồng chiêng.

Một kinh nghiệm rất đáng chú ý là việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy ở học đường, qua tham luận của TS Endo Suanda: Cồng chiêng, Dân tộc nhạc học và Phương tiện nghe nhìn: Quan niệm và kinh nghiệm của chương trình giáo dục của Viện Giáo dục nghệ thuật Indonesia. Điều này cho thấy: tuy Indonesia không xin công nhận cồng chiêng là văn hóa phi vật thể nhưng kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng ở đất nước họ cũng là điều đáng cho chúng ta suy ngẫm để đi tìm những giải pháp quảng bá thích hợp.

* Xin cảm ơn giáo sư. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục