Lại thêm một trường hợp buồn về chuyện gửi tiết kiệm ở Việt Nam và lần này người gửi tiết kiệm có số tiền lên tới 5 tháng lương cán sự vào thời điểm năm 1985 nhưng đến nay, khi đến ngân hàng để rút tiền thì mới “chết lặng” khi số tiền ấy nếu tính cả gốc và lãi chưa được 200 đồng và không đủ phí giao dịch?
“Nạn nhân” là ông Trần Cảnh Đào, cán bộ hưu trí ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong sổ của ông vẫn còn ghi rõ số tiền gốc đến ngày 15-8-1985 trước ngày đổi tiền là 455,60 đồng, quy đổi ra “tiền mới” sau ngày đổi tiền là 45,6 đồng và sau lần gửi cuối cùng là ngày 2-1-1986, số tiền gốc còn là 87,60 đồng.
Ngày 18-11-2014, ông Đào có đến Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng và được chỉ sang Ngân hàng VietinBank để rút tiết kiệm. Ông Đào chìa cuốn sổ tiết kiệm cho cô giao dịch viên, và sau một hồi tính toán, ông được thông báo rằng: “Sổ của chú tính cả gốc lẫn lãi chưa được 200 đồng theo mệnh giá bây giờ và đó là chưa tính phí giao dịch của ngân hàng”.
Tâm trạng ông Đào lúc đó rất bần thần và chỉ còn biết than trời. Ngậm ngùi cầm cuốn sổ tiết kiệm rời ngân hàng ra về mà lòng dạ ông rầu rĩ vì “trên thị trường mệnh giá 200 đồng có còn lưu thông nữa đâu”.
Tâm sự với PV Báo SGGP, ông Đào tỏ vẻ bức xúc: “Năm 1982, khi bắt đầu gửi tiết kiệm chỉ có 10 đồng và tôi đang làm cán bộ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ) Lâm Đồng, đến tháng 8-1995 lúc đổi tiền, tôi làm phó văn phòng thì lương cán sự bậc 6/6, một tháng được 93 đồng, tương đương lương đại úy quân đội. Lương phó ty (phó giám đốc sở bây giờ) hồi đó cũng chỉ 105 đồng. Đến lúc đổi tiền thì số tiền gửi lũy kế trong sổ tiết kiệm tương đương 5 tháng lương. Ông cũng như nhiều người gửi cứ nghĩ đó là một số tiền để dành cho lúc về già, nào ngờ!.
Ông Đào kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem lại cách tính lãi và gốc để ông và nhiều người không phải chịu cảnh “mất cả chì lẫn chài”.
Văn Phong