Ở cái hòn đảo giữa đại dương mênh mông, cách đất liền trên 30km ấy, người dân Lý Sơn đang gượng dậy vượt qua những khó khăn trước mắt sau bão số 11.
Nhìn căn nhà cấp 4 trống trơ, mái tôn đã bị gió thổi bay đi đâu mất, anh Mai Văn Tiên (42 tuổi) ở xã An Hải ngậm ngùi ứa nước mắt: “Nhà có 4 người, người lớn không sao chứ tội 2 đứa nhỏ. Nửa đêm đang ngủ mà nhà bay mất mái, cả nhà hớt hải co ro trong mưa chạy sang nhà hàng xóm tá túc. Do chạy vội vàng nên không đem theo được thứ gì. Quần áo, lương thực phó mặc cho mưa gió vần vũ.
Trong nhà đã vậy, ngoài ruộng có hơn sào hành để vợ chồng, con cái đắp đổi qua ngày cũng bị mưa gió đánh tả tơi. Nhìn đâu cũng thấy thiệt hại và thiếu thốn. Hai đứa nhỏ đã gửi qua nội ngoại, vợ chồng về gắng gượng kiếm tôn lợp lại nhà để tá túc tạm chứ biết làm sao” - anh Tiên nói rồi đưa tay thấm giọt nước mắt đang chảy trên khuôn mặt hòa lẫn vào giọt mồ hôi mặn chát do nắng nóng sau bão tại Lý Sơn.
Một trong những trường hợp “đen đủi” nữa là ông Võ Kỳ. Con tàu số hiệu Qng 66068, công suất 45CV, “cần câu cơm” của gia đình ông Kỳ, bình thường mọi hôm neo dập dềnh trên sóng nhưng sau bão số 11 đã “bò” lên bờ, cát vùi sâu chừng nửa mét, như nằm giữa sa mạc. Muốn đưa được con tàu ra biển, ông Kỳ bảo phải đào rảnh, nhờ tàu kéo, nhưng kéo cạn mà không có đà ray thì đáy tàu nát hết. “Chắc phải nhờ lực lượng biên phòng đưa ra thôi”, ông Kỳ nói.
Tình cảnh của ông Nguyễn Văn Châu cũng không thua kém ông Kỳ. Ông Châu cứ đinh ninh đem tàu vào âu thuyền neo đậu là an toàn. Vậy nhưng, sóng đánh dồn dập, tàu hết nghiêng ngả, xoay ngang dọc rồi đứt dây neo trôi tự do và… va vào bờ kè âu thuyền vỡ ra từng mảnh…!
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm hệ thống đường dây nhà máy phát điện trên đảo gặp sự cố. Toàn đảo không có điện, người dân đối phó với bão trong đêm tối bịt bùng; tuyến đường liên xã dài gần 10km bị tê liệt do cây cối đổ chắn ngang đường. 5 trường học, các cơ quan đơn vị và công trình phúc lợi bị mưa bão tàn phá gây hư hại; tuyến kè phía Đông Nam đảo cũng bị sóng biển, triều cường cao từ 7 - 10m liên tục xô bờ và uy hiếp.
Tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải, chỉ trong một đêm hàng trăm tàu cá của ngư dân neo đậu bị mưa gió xô tấp, gây va đập hư hại, trong đó có nhiều tàu cá bị sóng biển nhấn chìm cuốn trôi toàn bộ ngư cụ…!
“Sau khi bão số 11 tan, huyện đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên đổ về các khu dân cư, vũng neo trú tàu thuyền xã An Hải để giúp dân sửa lại nhà cửa, tàu thuyền, thu hoạch hoa màu nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống… Người dân quê hương hải đội Hoàng Sa đang rất cần sự chung tay góp sức của người dân cả nước” - bà Hương ngậm ngùi!
HÀ MINH