Cô TRẦN NGỌC ĐOAN TRANG, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4: Mưa lâu thấm đất
Ra trường năm 1998, cô Trần Ngọc Đoan Trang xin vào giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận 4, TPHCM. Dù lúc đó rất hăng hái, hạ quyết tâm có khó mấy cũng không nản lòng nhưng thực tế không như cô tưởng tượng. Từ học trò mình phải dạy cho đến cách xưng hô đối với những học sinh lớp 8, lớp 9 nhưng tuổi có khi còn lớn hơn cả cô… khiến cô có lúc phải ngao ngán. Nhưng rồi sự lạ lẫm, rụt rè và ngỡ ngàng ấy dần mất đi để thế chỗ cho sự gần gũi, chia sẻ, cảm thông đã gắn chặt cô giáo trẻ dạy môn Văn ấy với nơi chuyên thu nhận học trò “ngoại hạng” của quận 4.
Cũng giống như bao trung tâm GDTX khác, cái khó nhất của người giáo viên là học sinh thường hỏng về kiến thức khá nhiều, ngại đi học, bỏ học và thậm chí chất “quỷ ma” còn nổi trội hơn so với học sinh các trường khác. Do đó, nếu người “đưa đò” không khéo léo, không kiên trì thì nguy cơ buông chèo, bỏ đò giữa dòng sẽ không ít.
Cô Trang chia sẻ: “Học sinh hệ GDTX chịu đi học đã là điều đáng quý vì các em phải gạt bỏ bao dị nghị, hoàn cảnh, mặc cảm và cả sự tự ti để quyết theo đuổi sự học. Chính vì lẽ đó mà cái nghiệp cứ níu giữ tôi lại với các em”. Thực tế cho thấy, người thầy, người cô dạy và làm chủ nhiệm học sinh ở các trung tâm GDTX ngoài việc vững chuyên môn còn phải vững về kinh nghiệm ứng xử để cảm hóa được học sinh. Theo cô Trang, đối với học sinh hệ GDTX, giáo viên sử dụng các biện pháp mạnh như phạt, răn đe hay hù dọa là phản tác dụng. Thay vào đó là phải “vừa dạy vừa dỗ” thì mới cảm hóa được các em vì mưa lâu sẽ thấm đất.
Cô Trang nhớ mãi câu chuyện về cô học trò lớp 12 vừa rồi: “Đang chuẩn bị thi tốt nghiệp thì em bỏ học không lý do. Bao nhiêu lần tôi liên hệ, ban giám hiệu gửi thư, gọi điện và dùng biện pháp mạnh hù dọa em nhất quyết không đi học lại. Thế rồi tôi phải cất công đến tận nhà gặp em. Sau khi tìm hiểu và tâm sự, hóa ra học trò của tôi buồn và thất vọng, bỏ học vì cha mẹ ly hôn và em đang ở với bà ngoại”. Nhờ sự động viên và khích lệ của cô, cuối cùng nữ sinh ấy đã chịu cắp sách đến trường để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và đi thi đại học. Giờ đây, mỗi lần thăm lại cô giáo, cô học trò bướng bỉnh ấy luôn nhắc lại kỷ niệm ấy và luôn nói: “Nếu không có cô chắc em đã không có được như ngày hôm nay”.
Có lẽ vì giáo viên dạy Văn nên cô Trang rất khéo léo dạy các em đủ tự tin để hướng đến tương lai phía trước, đồng thời trang bị cho các em những hành trang bổ ích vào đời. Với sự say mê và nhiệt tâm với nghề, cô đã luôn tìm tòi để giải bài toán “sai chính tả” cho học sinh của trung tâm. Và với sáng kiến “khắc phục lỗi chính tả”, sau mỗi buổi sinh hoạt với dẫn chứng hàng loạt những lỗi sai chính tả trong bài làm, học sinh đã nhanh chóng tự học và khắc phục tốt những lỗi chính tả thường mắc phải.
Chính cái tâm cùng với nhiệt huyết với nghề, cô Trang không gì hạnh phúc bằng khi kết quả học tập của học sinh ngày một tiến bộ, nhiều em đoạt giải học sinh giỏi Văn cấp thành phố. Riêng cá nhân cô cũng nhiều năm đoạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, thành phố và được nhiều bằng khen của UBND TP, Công đoàn Giáo dục TP và UBND quận 4.
THANH HÙNG
*****
Cô LÊ THỊ ANH TUYỀN, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9): Nặng lòng với nét chữ học trò
Sống giản dị, nhiệt tình trong công tác, tận tụy với nghề nghiệp, với học sinh…, là những gì mà các đồng nghiệp nói về cô Lê Thị Anh Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9).
Vốn sinh ra trong gia đình có cả bố, mẹ và anh trai đều công tác trong ngành giáo dục, nên cái nghề “gõ đầu trẻ” cũng ăn sâu vào tiềm thức của cô từ khi còn rất nhỏ. Vì thế, tốt nghiệp THPT xong, cô đăng ký dự thi vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM để thỏa giấc mơ của mình. “Ngày ra trường và nhận quyết định công tác tại Bến Tre mình háo hức đến không ngủ được. Dù biết công tác xa nhà đối với một cô gái trẻ TPHCM không phải là chuyện nhỏ. Nhưng mình nghĩ rất đơn giản, đã yêu nghề thì phải dấn thân. Vả lại ngành giáo dục thời điểm đó còn khó khăn. Nhiều em nhỏ ở các vùng quê vẫn chưa thể đến trường. Nghĩ được đến đó là mình quyết tâm hẳn lên, vác ba lô và lên đường…” - cô Tuyền tâm sự.
Các tỉnh ĐBSCL những năm 1985-1986 không thiếu ăn, nhưng lại thiếu con chữ. Một phần vì điều kiện cơ sở vật chất ở đây chưa cho phép, phần vì các em nhỏ chủ yếu theo cha mẹ ra đồng nhiều hơn là đến lớp, nên năm đầu tiên công tác ở Bến Tre, cô Tuyền không chỉ làm mỗi nhiệm vụ đứng lớp.
Cô kể: “Từ chỗ mình ở đến trường cách nhau gần 20km. Trong đó có hơn 5km đường bờ ruộng. Phương tiện đi lại chỉ có chiếc xe đạp cũ mẹ tặng trước khi mình về trường nhận công tác. Thường mình gửi xe ở nhà dân rồi lội bộ vào trường. Nhưng có hôm không gửi được phải vác cả xe đạp lên vai để đến trường. Chuyện té ngã, người lấm lem bùn là điều không tránh khỏi. Dọc đường đi, thấy học sinh nào ngoài đồng, mình lại đến bảo các em vào lớp. Vận động thêm các phụ huynh tạo điều kiện cho con cái học. Cũng may ở đây, học sinh hiền và dễ thương lắm. Thấy mình yêu nó, tụi nhỏ cũng hăng hái đến trường hơn”.
Công tác 4 năm tại Bến Tre, năm 1989 cô xin về lại TPHCM công tác tại Trường Tiểu học Hiệp Phú, đến năm 2012 thì nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt. Ở trường mới, điều kiện dạy học tốt hơn, công tác gần nhà nên cô cũng có thời gian để chăm chút cho chuyên môn nhiều hơn.
Cô Tuyền chia sẻ: “Mình ý thức rõ với học sinh tiểu học, nhất là các em đầu cấp, ngoài dạy cách sống, cách nghĩ, cũng phải rèn luyện cho các em những nét chữ cơ bản một cách thuần thục. Khi lớn lên, cuộc sống, công việc có thể khiến chữ viết xấu đi, nhưng những nét chữ cơ bản đầu đời thì không thể mất được. Dĩ nhiên viết chữ đẹp ở độ tuổi này còn phụ thuộc vào năng khiếu, nhưng mình tin nếu các em cố gắng tập viết thường xuyên, chữ sẽ ngay ngắn và sạch sẽ”.
Bằng niềm tin đó, bất kể lớp nào do cô Tuyền làm chủ nhiệm, các em đều viết rất đẹp. Có nhiều em đạt giải thưởng vở sạch đẹp cấp thành phố, cấp quốc gia. Nói về kinh nghiệm của mình, cô Tuyền cho biết muốn viết được chữ đẹp phải rèn luyện liên tục. Nhưng không phải vì thế mà thúc ép các em được. Người giáo viên phải kiên nhẫn với từng học sinh, thời gian đầu nên cầm tay hướng dẫn, đồng thời khuyến khích, khen thưởng nho nhỏ các em sau mỗi bài tập. Ngoài ra, kết hợp với bố mẹ ở nhà hỗ trợ thêm mới tiến bộ nhanh được.
Nói về đồng nghiệp của mình, cô Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường, không quên những lời khen: “Cô Tuyền rất nhiệt tình trong công tác, tận tụy với nghề nghiệp, với học sinh. Là tổ trưởng chuyên môn, cô luôn tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đồng nghiệp cùng tiến bộ và chan hòa trong tập thể sư phạm. Nhiều năm liền cô đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp thành phố”.
TƯỜNG HÂN
*****
Cô NGUYỄN THỊ NGỌC VÂN, giáo viên Trường Mầm non Sơn ca 5, quận 12: Hãy cho đi và sẽ được nhận
Trái ngọt giờ đây cô Nguyễn Thị Ngọc Vân đang hái được chính là kết quả của những ngày tháng gieo trồng tận tụy, đầy trách nhiệm với nghề nuôi dạy trẻ…
15 tuổi, học xong lớp 9, cô bé Ngọc Vân đến với nghề giáo bằng một bài tính đầy thực tế: nhà nghèo + được tiếp tục học + học xong có việc làm = trường nghề. Thế là Vân thi vào Trường Trung học Sư phạm Mầm non của TPHCM và đặt những bước chân đầu tiên vào nghề cô nuôi dạy trẻ…
“Thú thật, hồi đó tôi vào trường nghề chỉ vì muốn được tiếp tục học chương trình văn hóa cấp 3 mà không phải đóng học phí, học xong được nghề và có việc làm để giúp gia đình, chứ khi ấy tôi chẳng biết và yêu thích gì về nghề mình đã chọn. Những ngày đầu đứng lớp, áp lực công việc khiến tôi thấy căng thẳng và luôn nghĩ rằng đây chỉ là bước “quá cảnh” để tôi thi vào trường đại học khác”, Vân cười nhớ lại.
Tuy nhiên, vốn là người có trách nhiệm nên dù không hứng thú với công việc nhưng Vân luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Biết tâm lý trẻ sẽ cảm thấy sợ sệt khi ở môi trường lạ (ngoài gia đình), cô đặt mục tiêu “mang lại sự an tâm, tin tưởng nơi trẻ” làm tiêu chí hàng đầu. “Chỉ rất đơn giản trong giao tiếp thôi ạ! Ví dụ như khi trẻ đến lớp, mình chỉ cần đặt nhẹ tay lên vai, cười và trò chuyện với trẻ là các cháu đã thấy an tâm rồi. Học trò ở đây đa phần con nhà lao động, cha mẹ bận mưu sinh nên các em rất thích khi được yêu thương, chăm sóc”, cô Vân kể.
Như quy luật tất yếu, hạt giống yêu thương mà cô Vân gieo trồng đã nhanh chóng nảy mầm, đơm hoa kết trái. Tình cảm quyến luyến của học trò và cha mẹ đáp lại đã mang đến cho cô những cảm xúc bất ngờ và giúp cô nhận ra giá trị cao quý của con đường mà mình đang đi.
Cô mỉm cười khi kể về một kỷ niệm khiến cô xúc động sâu sắc: “Năm đó trong lớp có em Nguyễn Văn Beo, nhà rất nghèo nên Beo có phần mặc cảm, nhút nhát, không dám đùa giỡn với bạn bè. Tôi phải từng bước khơi gợi khả năng giúp Beo trở nên mạnh dạn, tự tin và hòa đồng với lớp. Một hôm tôi bị bệnh phải nghỉ dạy mấy ngày, mẹ của Beo đã đạp xe chở hai anh em tìm đến nhà tôi thăm hỏi. Khi về, người mẹ lúng túng nhét vào tay tôi một tờ giấy gấp đôi, bên trong có vài tờ tiền lẻ nhàu nát đến mức tôi cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc của chị ấy khi kiếm được chúng. Tôi khéo léo từ chối và hiểu ra rằng điều quý giá nhất từ công việc mang lại cho tôi là tình người”. Và cô Vân bỗng nhận ra mình đã yêu nghề, mê nghề từ lúc nào không rõ.
Thế là “ngôi trường đại học khác” mà cô ấp ủ theo đuổi đã hiện rõ danh tính: Đại học Sư phạm, khoa Mầm non. 4 năm đèn sách ở giảng đường đại học cũng là khoảng thời gian Vân không ngừng học hỏi đồng nghiệp tại Trường Sơn ca 5. “Tôi may mắn được làm việc trong môi trường sư phạm rất tốt. Nhờ đồng nghiệp nhiệt tình chỉ dẫn và bản thân cố gắng học hỏi, đến nay tôi thấy mình có bước trưởng thành, tự tin trong công việc. Đây cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, đừng ngại mình dở mà hãy cố gắng và chịu học hỏi thì chắc chắn sẽ phát triển. Hãy cho đi và sẽ được nhận!”, cô Nguyễn Thị Ngọc Vân - người đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi tiêu biểu cấp học mầm non toàn quốc năm học 2013 -2014” chia sẻ.
BỐI DIỆP