M. thân nhớ!
Vẫn còn đang trong cái tiết tháng 3 âm lịch, khi mà cái ả nàng Bân đỏng đảnh vẫn chưa đan áo xong, khí trời Hà Nội dường như đã sang hè. Tiếng động cơ rầm rầm. Thời tiết nóng hầm hập. Cảm giác mệt mỏi bao trùm mặc dù mới có hơn 6 giờ sáng. Mới sáng ra, thành phố đã tràn ngập những khẩu hiệu đỏ lòe mà nội dung của nó chẳng cần ngó người ta cũng biết nó viết gì.
Sáng ra ngồi nhâm nhi chén trà mạn nơi quán vỉa hè, nhìn dòng xe cộ nhả khói chạy rầm rầm khiến mình có cảm giác hoa mắt chóng mặt. Hà Nội của hôm nay thấy tinh người là người, ngợp thở vì người. Kể cũng lạ. Dường như chưa bao giờ người Hà Nội lại sôi lên về chuyện kiếm tiền, kiếm danh, kiếm lợi một cách sủi sùng sục như bây giờ. Cũng như muôn vàn sự bất cập khác, rồi người ta cũng phải quen đi với cái sự hối hả thường nhật.
Quây quanh quán nước trà mạn thường là một số gương mặt quen thuộc. Một ngày như mọi ngày, đám người đủ cả già trẻ này, tụ tập nhau đầu giờ sáng bên quán cóc vỉa hè, làm vài chén trà đặc, bàn chuyện nhân tình thế thái (theo cái cách mà đám thanh niên vẫn hay gọi là chém gió).
Bà cụ Tâm, chủ quán trà vừa rót thêm nước cho mấy anh em vừa ca cẩm: “Sao bây giờ người đâu ra mà lắm thế?”. Ông Cư, một giáo viên già về hưu, đỡ chén nước cười: “Bà không thấy là Hà Nội bây giờ rộng bằng mấy tỉnh khác à? Sáp nhập rồi thì người nó phải nở ra chứ?” Bà Tâm làu bàu: “Sát với chả nhập, toàn dân tứ xứ chứ làm gì có dân Hà Nội?”. Và thế là vô hình trung một cuộc tranh luận nổ ra.
“Ơ, cái bà này. Người ta có hộ khẩu Hà Nội thì không phải dân Hà Nội thì là dân gì?” - ông Cư hỏi.
“Bác chưa hiểu ý bà Tâm rồi. Ý bà ấy nói là dân Hà Nội gốc cơ. Chứ cái đám kia thì đa phần là dân nhập cư thôi” - ông Toàn, một trưởng phòng về hưu chen vào.
“Thế cháu hỏi bác, thế nào gọi là Hà Nội gốc?” - cậu Bảo, sinh viên trường nông nghiệp đế vào.
Ông Toàn quay sang Bảo: “Cậu quê ở đâu?”.
“Quê gốc nhà cháu ở Thường Tín”.
“Thế nhà cậu về đây khi nào?”.
“Nhà cháu về đây từ 1993”.
“Thế thì cóc phải Hà Nội gốc”.
“Thì cháu có nhận là gốc đâu. Nhưng cháu đang hỏi bác thế nào gọi là Hà Nội gốc cơ mà?”.
Và thế là mỗi người một câu, râm ran về chuyện định nghĩa người Hà Nội gốc. Người thì khẳng định là gia đình phải ở từ thời Pháp thuộc, kẻ thì lại cho rằng 20 năm là đủ. Người này khăng khăng phải từ 5 đời, kẻ kia đoan chắc chỉ cần 3 đời...
Cái đám “chợ trà ché” này chắc còn sôi nổi nữa nếu không có tiếng còi của chiếc xe cảnh sát dẹp vỉa hè vang lên. Những chị đẩy xe thồ bán rau, củ, quả... vội vã kéo những chiếc xe chạy tán loạn. Quán trà của bà Tâm gọn nhỏ bên gốc cây dường như được sự chiếu cố nào đó nên ít khi bị mấy chú cảnh sát hỏi.
Quãng vỉa hè hai bên đầu phố cũng quang đãng hẳn. Một gã thanh niên trông dặt dẹo, lừng khừng từ trong ngõ đi ra, đứng ngay gốc cây phía sau chiếc xe cảnh sát, vạch quần, moi cục thịt ra tưới một dòng nước vàng khè vào gốc cây. Hai chú cảnh sát đang đứng bên xe quay nhìn gã thanh niên, khó chịu. Một chú định nói gì đó thì chú kia kéo tay bỏ đi ra phía đầu xe.
Chẳng ai bảo ai, đám người bên quán trà cùng cười phá lên.
Bà cụ Tâm lầu bầu: “Công an cũng chả muốn dây với thằng nghiện”.
Bảo, cậu sinh viên vừa cười vừa cao hứng đọc:
“Hà Nội chỗ nào cũng tè
Bờ tường, cột điện, bến xe
Một mùi thơm thật mạnh mẽ
Cứ ngỡ Chanel, Arpege
Con đường gốm sứ ven đê
Đàn ông thì khỏi nói nhé
Chị em cũng rót sè sè...”.
Mọi người lại được một trận cười. Ông giáo Cư vừa chỉ về phía gã thanh niên tiểu bậy vừa hỏi: “Các ông các bà có biết cậu Du ấy không?”.
Bà Tâm nhanh nhẩu: “Ai lạ gì cái nhà thằng nghiện ấy nữa. Mấy anh em nhà nó đều dính”.
Ông Cư thủng thẳng: “Cái nhà đấy... Cụ nội thì làm quan thời phong kiến. Ông nội thì hy sinh ở Điện Biên. Bố hy sinh ở Quảng Trị. Mẹ một mình nuôi mấy đứa con. Chà... nhà đấy có được gọi là Hà Nội gốc không nhỉ?”.
Mọi người bỗng lặng ngắt. Dường như mỗi người theo đuổi một nỗi niềm riêng.
Giây lát ông Cư trả tiền nước, vừa đứng lên về, vừa nhẹ nhàng như tự nói với mình: “Gốc hay không, là ở cái tâm cư xử nơi mình đang sống mà thôi”.
Đạo diễn QUỐC TRỌNG