Thiếu quy chuẩn nên nhiều bệnh viện đang lạm dụng vô tội vạ các loại chẩn đoán, xét nghiệm với người bệnh. Giữa các cơ sở y tế cũng không chấp nhận, tin tưởng kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Thực trạng này khiến người dân khi đi khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Phòng xét nghiệm, BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã quá trưa nhưng vẫn kín bệnh nhân, nhiều người tỏ ra mệt mỏi, bức xúc vì phải chờ đợi quá lâu. Bà Nguyễn Thùy P. một bệnh nhân ở huyện Hoài Đức, Hà Nội bực bội nói: “Từ sáng sớm tới giờ, tôi phải nhịn ăn sáng để xét nghiệm máu. Mất gần 3 tiếng mới có kết quả xét nghiệm máu, tưởng rằng bác sĩ sẽ sớm phát hiện ra bệnh nhưng ai ngờ sau một hồi khám xét, bác sĩ lại bắt đi làm thêm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm ổ bụng. Không biết tới đây, tôi còn phải chiếu chụp, chọc hút cái gì nữa thì bác sĩ mới chẩn đoán phát hiện được ra bệnh…”.
Quả thực, trường hợp của bác P. chỉ là một trong rất nhiều người bệnh khi tới bệnh viện khám phải trải qua hàng loạt công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu, bệnh phẩm, siêu âm, X.Quang… mà trong đó có nhiều công đoạn chẩn đoán, xét nghiệm nhiều khi chẳng liên quan gì tới triệu chứng bệnh. Thậm chí, không ít trường hợp người bệnh chỉ bị cảm sốt, nhức đầu thông thường nhưng khi tới bệnh viện khám vẫn bị bác sĩ bắt đi làm xét nghiệm nước tiểu hay điện tim… (!?)
Trước thực trạng trên, một số chuyên gia y tế cho biết, xét nghiệm, chiếu chụp là khâu quan trọng trong quy trình khám chữa bệnh nhưng tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp trong nhiều cơ sở khám chữa bệnh là phổ biến do Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp. Thậm chí, các trang thiết bị dùng để xét nghiệm, chiếu chụp ở nhiều bệnh viện còn không đảm bảo độ chính xác, thiếu đồng bộ, khiến bệnh viện nọ nghi ngờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện kia và hậu quả đổ hết lên đầu người bệnh.
Hơn nữa, nhiều cơ sở y tế do trình độ của nhân viên hóa sinh, xét nghiệm còn hạn chế nên việc đọc kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cũng khiến cả những người có chuyên môn cũng phải… choáng váng vì sai lệch quá lớn.
Cục Quản lý khám chữa bệnh đã phải thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng nhiều bệnh viện vẫn đang lạm dụng chỉ định lại xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, không công nhận kết quả lẫn nhau, gây không ít phiền hà, tốn kém cho người bệnh là phổ biến. Thống kê cho thấy, chỉ trong một năm qua, các bệnh viện cả nước đã thực hiện tới 134 triệu lượt xét nghiệm sinh hóa, tăng 12,4%, xét nghiệm huyết học là 143 triệu lượt, tăng 7%, xét nghiệm vi sinh 17 triệu lượt, tăng 7,2%.
Dưới góc độ khác, ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, cho rằng, ngoài việc chưa có quy chuẩn về xét nghiệm, chẩn đoán, việc lạm dụng xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, X.Quang… còn có nguyên nhân từ việc nhiều bệnh viện cố tình lạm dụng Quỹ BHYT đối với bệnh nhân có thẻ BHYT vì việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hiện vẫn còn bị bỏ lỏng.
Không chỉ lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp với người bệnh, nhiều bệnh viện còn đang lạm dụng thuốc một cách vô tội vạ với người bệnh. Khảo sát tại một số bệnh viện lớn của Bộ Y tế cho thấy, số thuốc được kê trung bình là 7,06 loại/đơn thuốc, thậm chí có những đơn thuốc lên tới 10-20 loại thuốc. Đáng lưu ý, thuốc kháng sinh đang được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân. Tình trạng kết hợp nhiều loại kháng sinh cũng ở mức rất phổ biến, chiếm tới trên 41% số đơn thuốc. |
NGUYỄN QUỐC