Hà Nội loay hoay chống ùn tắc giao thông

Bộ GT-VT nhất trí phương án đổi giờ của Hà Nội
Hà Nội loay hoay chống ùn tắc giao thông

Hà Nội đã và đang rất nỗ lực giải bài toán chống ùn tắc giao thông. Từ những việc cụ thể đã làm như xén vỉa hè, phân luồng phương tiện, xây cầu vượt cho người đi bộ, cho đến những việc chuẩn bị làm như đổi giờ học, giờ làm, xây cầu vượt tạm cho xe tải nhẹ… Thế nhưng, ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn đang là vấn đề nóng bỏng. Chống ùn tắc thế nào vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tốn kinh phí, kém hiệu quả

Thử nhìn lại những việc Hà Nội đã làm trong thời gian qua sẽ thấy, có nhiều giải pháp rất tốn kém nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể. Đơn cử như việc phân luồng phương tiện. Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, để phục vụ cho việc phân luồng, mỗi ngày Hà Nội phải chi khoảng 1 tỷ đồng. Sẽ không phải bàn đến số tiền này nếu tình hình giao thông được cải thiện đáng kể nhưng đáng tiếc, tình hình giao thông càng rối hơn.

Dù phân luồng, người tham gia giao thông vẫn ngang nhiên vi phạm. Ảnh: C.T.V.
Dù phân luồng, người tham gia giao thông vẫn ngang nhiên vi phạm. Ảnh: C.T.V.

Thực tế tại những tuyến phố đang được phân luồng hiện nay như Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Phố Huế - Hàng Bài, Giải Phóng… tình trạng các phương tiện lưu thông lộn xộn và ùn tắc dường như diễn ra nhiều hơn, nhất là trong giờ cao điểm. Đáng lo ngại hơn khi những vụ tai nạn giao thông lại xảy ra do tình trạng phân luồng nửa vời: người muốn thực hiện, người không; đoạn thực hiện, đoạn không; lúc có người giám sát, lúc không có… khiến giao thông càng thêm rối bời.

Theo các chuyên gia giao thông, việc phân làn khó thành công do hạ tầng bất hợp lý. Nếu không đầu tư kỹ hơn cho phương án thì chỉ lãng phí mà không đem lại hiệu quả. Cũng tương tự, TP Hà Nội đang lên kế hoạch xây 8 cầu vượt cho xe tải nhẹ. Đây được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc giao thông giờ cao điểm nhưng dư luận vô cùng bức xúc khi bỏ ra 150 tỷ đồng cho mỗi cây cầu, nhưng chỉ được gọi là cầu vượt tạm.

Theo ý kiến của nhiều người dân, lẽ ra, loại cầu vượt này nên thí điểm trước ở một điểm nóng, đồng thời xây dựng phương án tổ chức giao thông kèm theo tại cầu vượt này trong tổng thể giao thông khu vực, nếu thấy hiệu quả mới triển khai ở các nút khác.

Đừng để mất thêm thời gian

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã rất có lý khi chủ trương chọn những giải pháp chống ùn tắc ít tốn kém nhất để thực hiện trước, như giải pháp thay đổi giờ học, giờ làm. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi mỗi người dân phải cộng đồng trách nhiệm. Giải pháp này đưa ra cũng gặp nhiều luồng dư luận khác nhau, bên cạnh được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, cũng không ít ý kiến phản đối vì có thể gây xáo trộn lớn trong đời sống sinh hoạt quen thuộc của một bộ phận cư dân.

Thể hiện quyết tâm sớm giảm ùn tắc giao thông cho thủ đô, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhanh chóng trình lên Chính phủ phương án thay đổi giờ học giờ làm, trong đó chia 3 khung giờ lệch nhau ít nhất 1 giờ cho 3 nhóm người tham gia lưu thông.

Thế nhưng mới đây, TP Hà Nội lại trình lên Chính phủ một phương án khác, là chỉ thay đổi giờ học của khối sinh viên các trường đại học và giờ làm việc của khối thương mại, dịch vụ, còn giữ nguyên giờ học, giờ làm của khối cán bộ công chức, viên chức, học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Rất nhiều ý kiến của các bộ ngành trung ương ủng hộ phương án của Hà Nội. Những ý kiến này cho rằng, nên thận trọng khi điều chỉnh làm sao cho mức độ xáo trộn đời sống xã hội được giảm thiểu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, bày tỏ quan điểm: “Không nên vội vàng tiến hành ngay trên diện rộng mà cần làm thí điểm. Do đặc thù giờ giấc các thành viên trong các gia đình ở Hà Nội đều liên quan đến nhau, cha mẹ phải đưa con cái đi học nên nếu đổi giờ học, giờ làm sẽ gây xáo trộn rất lớn, thậm chí chúng ta chưa lường hết được những hệ lụy”.

Thế nhưng, trái với quan điểm này, những ý kiến ủng hộ phương án của Bộ GTVT lại cho rằng, chúng ta cần quyết liệt thay đổi.

Ông Phạm Ngọc Vinh, cán bộ hưu trí trú tại phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Tham khảo ý kiến người dân, thận trọng khi thực hiện là hết sức cần thiết nhưng nạn ùn tắc đã kéo dài hàng chục năm rồi, chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu, thí điểm, thử nghiệm. Việc đổi giờ học, giờ làm cũng không phải mới, cả Hà Nội và TPHCM đã từng triển khai trong nhiều năm nhưng không có kết quả, chỉ vì chúng ta thực hiện không triệt để. Tôi cho rằng chính những thói quen, nền nếp cũ là một trong những thủ phạm gây ùn tắc. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi, nếu ý thức tự giác của người dân chưa đủ, chúng ta còn có bộ máy công quyền để áp chế”.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Bộ GTVT và Hà Nội phải thống nhất phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm, trong đó Hà Nội đóng vai trò chủ động đề xuất. Hơn lúc nào hết, bài toán giải ùn tắc cần sự thông minh, sáng suốt, cần tầm nhìn xa, trông rộng, cần tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những nhà quản lý, trong đó đặc biệt là người đứng đầu ngành giao thông và người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội. Nếu không quyết liệt, còn chần chừ, làm nửa vời, hay e ngại sự thay đổi, e rằng Hà Nội sẽ còn tiếp tục loay hoay chống ùn tắc giao thông. 

Bộ GT-VT nhất trí phương án đổi giờ của Hà Nội

Hàng loạt các vấn đề nóng về giao thông đã được chất vấn tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GT-VT tổ chức chiều 8-11.

Trả lời về sự “vênh nhau” giữa 2 phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm của Bộ GTVT và của TP Hà Nội và câu hỏi có hay không mâu thuẫn giữa 2 cơ quan này, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng khẳng định, Bộ GT-VT và TP Hà Nội đều thống nhất về quan điểm phải điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông. Cả 2 phương án mà Bộ GT-VT và Hà Nội đưa ra đều tập trung vào việc điều chỉnh giờ học của khối học sinh THPT và sinh viên vì đây là đối tượng tham gia giao thông lớn và việc chỉnh không gây nhiều xáo trộn xã hội. Riêng khung giờ cho đối tượng cán bộ công chức viên chức và học sinh mầm non, tiểu học giữa Bộ GT-VT và Hà Nội có khác nhau nhưng việc đưa ra các phương án khác nhau là bình thường. Việc chọn phương án nào là quyết định của Chính phủ sau khi lấy ý kiến các bộ ngành và thống nhất lại giữa Bộ GT-VT và TP Hà Nội.


BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục