Tôi ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, có dịp được hòa vào không khí thủ đô chuẩn bị đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cả Hà Nội như một công trường lớn rộn rịp khẩn trương dưới bầu trời trong xanh yên bình, khiến tôi có cảm giác đang đi vào một vùng đất hào hoa thanh lịch, bận rộn, khoác lên mình một dung nhan mới lạ, so với bất kỳ thời gian nào trước đây.
Và những cơn mưa đầu mùa đã tới, tưới lên màu xanh rợp đường thành phố, trôi đi bụi bặm của những ngày nóng bức chưa từng có trong vài thập niên qua. Tôi lắng nghe mưa Hà Nội có khác mưa ở Sài Gòn? Khác! Nó không mưa nhanh ào ạt như ở Nam bộ, mà mưa nhè nhẹ, kéo dài rồi dứt lúc nào không hay. Ngoài trời mưa nhưng trong nhà vẫn oi oi, phải mở quạt xua cái nóng ra ngoài. Mưa làm cho sấu rụng ngập đủng đỉnh ven đường, hương ổi chín thơm lừng và những gánh hàng hoa tươi rói...
Lâu rồi tôi mới được thấy mưa Hà Nội sớm mai và nghe mưa Hà Nội ban đêm. Nó gợi lên biết bao kỷ niệm thời “Xây cho nhà cao cao mãi...”, nhưng tiêu chuẩn của mỗi người chỉ 13,5kg gạo một tháng, “thắt lưng buộc bụng vì miền Nam ruột thịt”. Tiếng tàu điện leng keng mỗi chiều chủ nhật trở về trường mãi tận Hà Đông: Đúng là “Thuở phiếu tem chắt bóp miệng ăn/Hà Nội vẫn hồ Gươm lộng lẫy/Mưa chan trên phố cổ em về...”. Còn bây giờ thì vô số cao ốc chọc trời, khiến những ai lâu rồi không ra Hà Nội phải ngỡ ngàng choáng ngợp, đôi khi không còn nhận ra phương hướng, dù đó là một địa danh quen thuộc ngày nào.
Tâm linh mách bảo tôi Hà Nội sẽ không mưa nhiều trong những ngày này cho tới khi đại lễ diễn ra. Thời gian đang ủng hộ những công trình nước rút cho Thăng Long ngàn tuổi, đa số ở ngoài trời. Mưa cũng chỉ là mưa thu như một thứ trang điểm cho thời tiết Hà thành mà thôi. Mưa thu thì trời vẫn “Mát trong như sáng năm xưa.../Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác heo may...”.
Có lẽ mưa nổi đình đám nhất là lần ngập đường hầm Kim Liên. Mỗi lần như thế, báo đài tới tấp đưa tin như một thảm cảnh. Tuy nhiên tôi thấy cái “túi nước” đó cũng bình thường. Ngày nào xe cũng chở nhà văn đi qua “điểm nóng” này. Tôi quan sát thấy đó là một con đường hầm xi măng khá đẹp, dài độ non trăm mét. Nước thì chảy chỗ trũng nên gây ngập, bởi nó sâu hơn mặt bằng chung. Chắc các chuyên gia cầu đường cũng đã tính toán kỹ khi thiết kế công trình “tiếng tăm” này. Dù sao khắc phục nó cũng không tốn kém bằng công trình bắn mưa hay dàn kèn đồng 1.000 chiếc phô diễn trên đường phố (chương trình này cũng đã sớm bị loại bỏ).
Bây giờ tôi đã về TPHCM - Sài Gòn hai mùa mưa nắng. Mưa vài tiếng là ngập, lại thêm triều cường, nhưng rồi cũng đành sống chung với ngập nước trong mùa mưa.
Mưa Sài Gòn lại nhớ mưa Hà Nội, nhớ đến nôn nao mùa ổi chín và tiếng sấu rụng ngoài vườn.
Thu 2010
HỒ SĨ THÀNH