(SGGPO). – Sau khi Hải Dương ghi nhận ca tử vong đầu tiên do viêm não mô cầu trong năm 2016, tiếp đến Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay.
Đây là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng dù số người mắc hàng năm không nhiều. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân là một nam giới 30 tuổi (ở Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được đưa tới khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tỉnh táo nhưng các triệu chứng viêm màng não rất rõ ràng với biểu hiện nôn, đau đầu nhiều. Hiện nay, bệnh nhân được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho bệnh nhân khác. Trước đó sau khi bị sốt, bệnh nhân đã được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh nhưng không khỏi. Như vậy, đây là ca bệnh đầu tiên mắc não mô cầu trong năm nay mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và cũng là ca đầu tiên ghi nhận tại Hà Nội. Ngay khi có kết quả khẳng định bệnh nhân trên bị viêm não mô cầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thông báo tới Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để các đơn vị khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân và dùng thuốc dự phòng bệnh. Ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, sau khi phát hiện ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên ờ Hà Nội, cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng, giám sát khoảng 30 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng kháng sinh dự phòng.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, mặc dù hàng năm, số người mắc viêm não mô cầu không cao nhưng đây là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt có thể lây lan qua đường hô hấp. Hơn nữa với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh khiến bác sĩ đôi khi chưa kịp chẩn đoán, điều trị thì bệnh nhân đã tử vong. Biểu hiện thường thấy nhất của viêm màng não mô cầu là sốt đột ngột (39-40 độ C), xuất hiện ban máu (tử ban) vào ngày đầu tiên sốt, có thể kèm nôn ói, đau đầu, ớn lạnh. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ sợ ánh sáng, cứng gáy, mê sảng, co giật, mất ý thức. Tuy nhiên hiện nay đã có 2 loại vaccine phòng ngừa viêm não mô cầu là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Người lớn cũng có thể tiêm phòng. Sau tiêm vaccine 10 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch bảo vệ và kháng thể nhưng sau 3 năm sẽ giảm nên sau thời gian này cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2.
MINH KHANG