Hàng loạt công trình trọng điểm được hoàn thành vào cuối năm 2014 và 2015 được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế xã hội và trở thành những điểm nhấn thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội.
Như vậy, bên cạnh nét duyên dáng, trầm mặc của phố cổ, những công trình hiện đại đã và đang mọc lên sẽ là niềm tự hào mới đồng thời cũng là động lực để thủ đô vươn tầm hội nhập.
Khu đô thị mới Mỹ Đình tại Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH
Vẻ đẹp mới mẻ của Hà Nội
Được khánh thành đúng vào ngày 10-10, nhân dịp 60 năm Ngày giải phóng thủ đô là cầu Đông Trù, bắc qua sông Đuống, nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, một trong 37 công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015. Khởi công từ tháng 1-2010, với tổng mức đầu tư lên tới trên 6.600 tỷ đồng, áp dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, cầu Đông Trù được xem là trục giao thông chính góp phần phát triển khu đô thị, khu công nghiệp phía Bắc thủ đô. Với công trình này, Hà Nội hôm nay đã rộng mở rất nhiều so với Hà Nội 36 phố phường xưa.
Lùi thời hạn thông xe đến cuối năm 2014 nhưng cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng lớn nhất nước bắc qua sông Hồng vẫn kịp đóng góp thêm những sắc màu lung linh cho Hà Nội những ngày này. Đây là công trình được nhiều người mong đợi, bởi lẽ sau khi hoàn thành, tuyến đường từ sân bay Nội Bài về nội đô rút ngắn chỉ còn 12km, thời gian từ trung tâm đi Nội Bài còn khoảng 30 phút thay vì hơn 1 giờ cho quãng đường gần 40km như hiện nay, đồng nghĩa với việc nỗi ám ảnh trễ chuyến bay vì tắc đường sẽ không còn nữa. Cùng với cầu Nhật Tân, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài dự kiến sẽ được đưa vào khai thác cuối 2014. Với số vốn đầu tư 900 triệu USD, công suất 10 triệu hành khách/năm, nhà ga T2 Nội Bài cũng được đánh giá là một công trình có kiến trúc đẹp, tạo ấn tượng tốt đối với du khách khi đặt chân đến Hà Nội bằng đường hàng không.
Nói đến Hà Nội hiện đại và năng động hôm nay phải nhắc đến Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Đây mệnh danh là TP khoa học được xây dựng đồng bộ và hiện đại với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Theo Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc, tính đến thời điểm này, đã có 72 dự án hoạt động với số vốn đăng ký gần 56.470 tỷ đồng, trên diện tích 353,74ha với khoảng 7.000 người lao động và học tập. Trong đó có các dự án lớn Trường Đại học FPT, Khu phần mềm của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ FPT, Trung tâm CNC Viettel, Trung tâm vũ trụ...
Tiếp nối những công trình
Hà Nội giống như một đại công trường, đó là cảm nhận của nhiều du khách khi đến thăm vào thời điểm này. Đi về hướng nào của TP cũng gặp những công trường đang thi công thuộc các dự án xây dựng đường vành đai 1, 2, 3, dự án đường sắt đô thị...
Theo thông tin từ Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, đến thời điểm này, dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái với mức đầu tư trên 800 tỷ đồng vẫn chậm vì vướng giải phóng mặt bằng, thiếu nhà tái định cư cho các hộ dân. Nếu như công trường vành đai 1 chỉ trong phạm vi 1km thì công trường dự án vành đai 2, tuyến nội đô khép kín của Hà Nội lại kéo dài tới 43,6km. Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện nhiều gói thầu được đánh giá là chậm. Trong đó, gói thầu Bưởi - Cầu Giấy mới thi công được 50% khối lượng, nếu các bên liên quan có hoàn thành sớm cũng phải đến tháng 6-2015 nút giao thông Cầu Giấy mới hoàn tất, chậm so với kế hoạch ban đầu nửa năm.
Góp phần làm Hà Nội thêm ngổn ngang còn phải kể đến 4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai với tổng chiều dài 58,5km, trong đó Bộ GTVT làm chủ đầu tư 2 dự án (tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 1), UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư 2 dự án (tuyến số 2 và số 3). Đây là những dự án đang được sự quan tâm của dư luận vì chậm tiến độ và đội vốn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT lên Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình triển khai các dự án đều gặp nhiều khó khăn dẫn đến phải điều chỉnh, tổng mức đầu tư tăng từ 50,2% - 172% so với ban đầu và điều chỉnh tiến độ từ 2 - 4 năm.
Đánh giá về những dự án dở dang này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: “Đây là những dự án sẽ làm thay đổi cơ bản bộ mặt giao thông đô thị Hà Nội. Khi hoàn thiện, Hà Nội sẽ có một hệ thống giao thông hiện đại, năng lực vận chuyển hành khách sẽ tăng mạnh, từ đó sẽ giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. TP hiện đang hết sức nỗ lực để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án này”.
BÍCH QUYÊN