Hà Nội vào đại lễ

Hà Nội vào đại lễ

Chỉn chu trước giờ khai lễ

* Khai mạc trung tâm báo chí phục vụ đại lễ

(SGGP). – Hôm qua 30-9 là thời hạn cuối cùng để Hà Nội hoàn chỉnh nốt những công việc còn lại để chuẩn bị cho ngày khai màn đại lễ vào hôm nay 1-10. Ở hầu hết các tuyến phố, từ các quận huyện ngoại thành như Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên đến Từ Liêm, Gia Lâm... lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị và cây xanh từ sáng sớm đã khẩn trương lắp đặt, trang trí và trồng cây xanh, đặt chậu hoa ở các bùng binh, giăng mắc đèn lồng trên các đường phố. Việc trang hoàng được đầu tư kỹ lưỡng ở các điểm sẽ diễn ra bắn pháo hoa trong các ngày đại lễ.

Tổng duyệt văn nghệ bên Hồ Gươm tối 30-9. Ảnh: AN DUNG

Tổng duyệt văn nghệ bên Hồ Gươm tối 30-9. Ảnh: AN DUNG


Dù thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương hôm nay 1-10 Hà Nội không mưa, trưa và chiều có nắng nhẹ, nhiệt độ cao nhất có thể đạt 33°C, nhưng để đối phó với tình huống có thể xuất hiện mưa rào vào ngày khai lễ, Hà Nội đã lên phương án 2. Theo đó, nếu mưa to, lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Mỹ Đình). Dĩ nhiên, chương trình nghệ thuật “Đêm hồ Gươm lung linh” diễn ra quanh Hồ Gươm vào tối nay, nếu “dính” mưa lớn, cũng phải hủy.

Phương án phòng chống úng ngập cho 10 ngày đại lễ cũng đã được Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra. Theo đó, vận hành hết công suất các trạm bơm, nếu có mưa xảy ra tại các địa điểm quan trọng của đại lễ sẽ được ưu tiên máy bơm rút nước. Đến thời điểm này mực nước trên toàn hệ thống thoát nước (sông, mương, hồ) đã được rút xuống mức thấp nhất để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước khi mưa, đồng thời tăng sức chứa của toàn hệ thống.

Công an TP Hà Nội đã làm việc với 8 tỉnh giáp ranh với thủ đô để lên các phương án phối hợp bảo vệ chi tiết. Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, 300 cảnh sát giao thông sẽ được tăng cường để phân luồng giao thông. Từng phương án bảo vệ cụ thể cũng được bố trí cho 54 sự kiện chính, nhất là lễ khai mạc, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành và lễ bế mạc. Một số phương án chống khủng bố, phòng chống cháy nổ... cũng đã được diễn tập. Phương tiện ô tô, mô tô dẫn đường, thông tin liên lạc đã được trang bị đầy đủ.

Sáng 30-9, Trung tâm Báo chí tuyên truyền (75 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) chính thức mở cửa. Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) cũng có thêm một trung tâm báo chí. Hai trung tâm báo chí này sẽ phục vụ các phóng viên trong và ngoài nước từ 7 giờ đến 23 giờ trong suốt 10 ngày đại lễ, trang bị hệ thống máy tính hiện đại và đường truyền Internet tốc độ cao.

Trung tâm cũng là nơi giao lưu giữa các phóng viên với các nhà quản lý, nhà văn hóa, lịch sử cung cấp tư liệu về 1.000 năm văn hiến của thủ đô và đất nước. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, trong 10 ngày đại lễ sẽ có hơn 1.000 nhà báo tham gia đưa tin về các sự kiện, trong đó có hơn 100 phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài.

L.NGUYÊN - V.XUÂN

Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận hiện vật về Bác Hồ

Ngày 30-9 tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bức tranh chạm đồng mạ vàng về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kích thước 60 x 90cm do một nghệ nhân nổi tiếng của Hoàng gia Thái Lan sáng tác và Hội Văn hóa Thái - Việt trao tặng nhân dịp sang dự đại lễ. Chân dung Bác được chế tác bằng kỹ thuật điêu khắc truyền thống của Hoàng gia Thái Lan, thể hiện tấm lòng ngưỡng mộï, tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh và là một nghĩa cử hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của nhân dân Thái Lan.

T.HÀ

Thông tin liên quan:
>> Không quên ơn những người khai sáng kinh thành Thăng Long

Tin cùng chuyên mục