Những năm qua, TPHCM xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng hàng loạt công trình cầu đường và từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn TPHCM.
Nhiều công trình mới
Hàng loạt công trình cầu đường được đưa vào sử dụng trong thời gian qua không chỉ rút ngắn thời gian đi lại giữa các quận huyện, góp phần giảm ách tắc giao thông, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nút giao thông Cát Lái giúp giải tỏa ùn tắc giao thông trên tỉnh lộ 25B và xa lộ Hà Nội. Theo đó, phương tiện lưu thông trên xa lộ Hà Nội hướng từ Thủ Đức sẽ lên cầu vượt Cát Lái vào đường liên tỉnh lộ 25B và xe từ liên tỉnh lộ 25B sẽ lên cầu vượt ra xa lộ Hà Nội hướng về cầu Sài Gòn. Nút giao thông phía dưới cầu vượt dành cho các phương tiện đi thẳng trên xa lộ Hà Nội khi qua ngã tư này.
Kế tiếp, cầu Phú Mỹ là một trong những công trình thiết yếu vượt sông Sài Gòn, cùng với cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn phục vụ phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thu hút đầu tư và tạo sức bật cho quận 2, quận 7, quận 9. Cây cầu này cũng là điểm nhấn quan trọng nối thông các trục đường chính của TPHCM như tuyến vành đai số 2, liên tỉnh lộ 25B... tạo nên hành lang lưu thông thông suốt cho trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cây cầu giúp rút ngắn khoảng cách từ khu vực Cát Lái, quận 2 sang trung tâm TP gần 10km. Trước đây, người dân đi từ quận 2 sang quận 7 phải đi đường vòng băng qua trung tâm TP, nay có cầu Phú Mỹ thì chỉ mất khoảng 10 phút.
Khi tuyến đường vành đai 2 xây dựng hoàn chỉnh (hiện nay cơ bản đã có đường) lượng xe từ các tỉnh miền Trung, miền Đông đi về các tỉnh miền Tây phần lớn không phải chạy vòng như hiện nay. Nghĩa là, khi xe qua khỏi cầu Đồng Nai vào hướng TPHCM đến ngã tư Bình Thái qua cầu Rạch Chiếc, chạy tiếp, sau đó qua cầu Phú Mỹ thông suốt vào đường Nguyễn Văn Linh. Như vậy, đường vành đai 2 là tuyến đường xương sống, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nội đô, cũng đồng thời là tuyến đường quan trọng thứ hai lưu thông đi miền Trung - miền Đông - miền Tây và ngược lại.
Theo hệ thống cầu đường đã và đang thi công hầu như trên tuyến này rất ít giao lộ bị đồng mức. Tức là, tuyến này có rất nhiều cầu vượt. Như vậy, lưu lượng xe cộ sẽ được lưu thông liên tục hạn chế tình trạng ùn ứ phương tiện. Ngoài ra, đường vành đai 2 sẽ gánh thêm luồng xe tải, xe container rất lớn từ khu đô thị cảng Hiệp Phước, thông qua trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Hệ thống giao thông sau khi hoàn thành sẽ kết nối với nhau, lúc đó tuyến này sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch của khu Nam thông suốt vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Đẩy nhanh tiến độ
Những ngày này, trên công trình cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức đang đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp phục vụ người dân và góp phần giảm ách tắc giao thông trong giai đoạn cao điểm trước tết. Đây là một nút giao quan trọng cửa ngõ phía Đông Bắc TP hàng ngày có mật độ xe lưu thông qua lại rất lớn từ các tỉnh miền Đông đi vào TP cũng như về các tỉnh miền Tây. Ùn tắc giao thông ở ngã tư này gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giải quyết bài toán kẹt xe ở đây là mong muốn của chính quyền và nhân dân TP trong nhiều năm qua. Cầu vượt này sẽ có bốn làn xe theo hướng xa lộ Hà Nội sẽ giải quyết được khoảng 75% lưu lượng xe qua nút.
Trong tương lai sẽ làm thêm một cầu có quy mô tương tự song song cầu này, nằm ở nửa đường bên trái theo hướng TP - Đồng Nai. Sau khi hoàn thành cầu thứ hai sẽ tổ chức giao thông mỗi hướng 4 làn xe, phù hợp với quy hoạch 8 làn xe trên xa lộ Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu phải hoàn thành cầu vượt trước Tết Nguyên đán.
Một dự án quan trọng không kém là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài cũng đang gấp rút hoàn thiện một số đoạn để đưa vào sử dụng nhằm giảm tải giao thông khu vực này. Dự án được thiết kế với 12 làn xe, rộng 60m, tổng chiều dài 13,6km. Tuyến đường này bắt đầu từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh sau đó băng qua sông Sài Gòn đến quận Thủ Đức kết nối vào QL1. Tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị thi công đã triển khai xây dựng trên tổng chiều dài tuyến khoảng gần 10km tại các khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh với các hạng mục công trình như thi công hệ thống thoát nước, thi công Rạch Lăng, cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa...
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân từng nhấn mạnh khi kiểm tra tiến độ dự án, sau khi hoàn thành đảm nhận khoảng 40% lưu lượng xe cộ, giữ vai trò lớn trong việc giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực TPHCM. Hạng mục nào thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài xong đưa ngay vào sử dụng để giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc TP. Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài tại TPHCM là một phần của đường vành đai số 1 và là một trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020. Thời gian tới TP quyết tâm kết nối hệ thống đường cao tốc, vành đai ngoài, vành đai 2 và các tuyến giao thông quan trọng khác tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn.
Quốc Hùng