Hạ tầng xuống cấp: Nguy cơ mất an toàn giao thông

Trên thực tế, những hư hỏng của cơ sở hạ tầng đường bộ là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM.
Hạ tầng xuống cấp: Nguy cơ mất an toàn giao thông

Trên thực tế, những hư hỏng của cơ sở hạ tầng đường bộ là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM.

Đủ kiểu hư hỏng

Bên cạnh những mối lo lâu nay vốn đã “biết mặt, quen tên” như cây xanh gãy đổ, ngập nước, thì chất lượng của cơ sở hạ tầng đường bộ cũng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của cư dân thành thị. Dạo quanh thành phố, đặc biệt các quận huyện vùng ven, ngoại thành, chúng tôi ghi nhận tình trạng tồn tại các công trình đường bộ muôn hình muôn vẻ, đa dạng về sự cố.

Mới đây một biển báo cấm xe tải theo giờ trên đường Nguyễn Văn Ni (thị trấn Củ Chi) đột nhiên “biến mất” còn trơ lại trụ biển báo. Tình trạng có trụ nhưng biển báo không có tiềm ẩn nhiều hệ lụy về phát sinh kẹt xe nghiêm trọng do cung đường này thường xuyên có lượng xe lưu thông cao.

Tại giao lộ giữa đường số 5 và quốc lộ 1K thuộc phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, đoạn trước chùa Cao Đài, phóng viên ghi nhận mặt đường bị bong tróc nhựa tạo thành hố sâu rất nguy hiểm. Cũng tại giao lộ này, đèn tín hiệu giao thông bị bể rớt khỏi cột. Còn nắp hố ga tại giao lộ Nguyễn Văn Cự - Cầu Kinh thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân bị hư hỏng, được người dân cảnh báo người đi đường bằng cách đặt một tảng đá khá lớn! Hay hố ga thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cũng không hiểu sao lại không có nắp đậy!

Trước nhà số 80 đường Gò Dưa, đoạn đường lên cầu vượt Gò Dưa (phường Tam Bình quận Thủ Đức), mặt đường bị đọng nước, mỗi lần xe cộ chạy qua nước văng tung tóe! Trong nội thành TPHCM, gần giao lộ đường Phan Phú Tiên và đường Võ Văn Kiệt (quận 5), trụ biển báo tốc độ tối đa cho phép bị nghiêng…

Đường An Dương Vương (quận 8, TPHCM) bị ngập gây cản trở giao thông (ảnh chụp ngày 24-10-2014). Ảnh: PHẠM CAO MINH

Đi tìm nguyên nhân

Truy tìm nguồn cơn các sự cố, hư hỏng hạ tầng giao thông đường bộ, chúng tôi thấy tựu trung có 3 nguyên nhân chính. Trước hết có thể nói đến tình trạng xảy ra hư hỏng là do sự lão hóa vật liệu nhưng cơ quan quản lý đã không biết, không kịp thời thay thế, chỉnh trang. Điển hình là tình trạng vạch sơn dành cho người đi bộ trên đường Lê Văn Việt, đoạn giao với đường Trương Văn Thành (phường Hiệp Phú, quận 9) bị mờ, hay cột biển báo trên đường Lã Xuân Oai đoạn trước cổng Trường Tiểu học Trương Văn Thành (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) bị tróc sơn, mờ cũ hoặc vạch sơn phân làn giao thông trên đường Nguyễn Văn Tăng (phường Long Thạnh Mỹ quận 9) bị mờ.

Cũng lắm khi những hư hỏng là do tác động cố ý của ai đó vì lợi ích riêng, tức là vấn đề nhận thức của người sử dụng - thụ hưởng. Biển báo hạn chế tải trọng xe 2,5T trên đường Tên Lửa, đoạn trước hẻm 753 thuộc phường Bình Trị Đông B quận Bình Tân bị ai đó… xịt sơn là dẫn chứng. Cũng thuộc diện xảy ra hư hỏng do phạm trù ý thức sử dụng này là hình ảnh phổ biến xe cộ, kể cả xe con hồn nhiên chạy trên vỉa hè mặc dù vỉa hè chỉ được thiết kế dành cho người đi bộ.

Cuối cùng là nguyên nhân đến từ sự cố ý trong thi công: thi công không đúng yêu cầu về kết cấu, vật liệu… như thiết kế được duyệt. Khi chất lượng công trình không đảm bảo thì tuổi thọ công trình cũng mau xuống cấp, hư hỏng là chuyện dễ hiểu, chỉ ngặt là muốn “bắt tận tay, day tận mặt” thì hơi khó và đòi hỏi phải có chuyên môn.

Tuy nhiên sẽ không khách quan nếu không ghi nhận rằng hầu hết các cơ quan chức năng, sau khi được phản ánh về tình trạng hư hỏng, khuyết tật hạ tầng giao thông trên địa bàn do đơn vị mình quản lý đều đã có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Điển hình như biển báo bị tháo gỡ trên đường Nguyễn Văn Ni thuộc thị trấn Củ Chi. Sau khi biết vụ việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn gắn biển báo cấm xe tải theo giờ khác thay thế.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục