(SGGPO).- Lũ rút, công tác khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, cứu trợ người dân được tỉnh Hà Tĩnh và các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương triển khai một cách quyết liệt, bước đầu cơ bản đã giúp người dân khôi phục lại cuộc sống. Tuy nhiên, người dân vùng lũ vẫn đang đối mặt với hàng loạt những khó khăn, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh và đói khát.
Nước lũ ngập sâu nhiều ngày qua, hàng trăm xác súc vật chết trôi nổi trên sông, suối, ao hồ, đường làng, ngõ xóm… nay gặp nắng lên bốc mùi hôi thối thẩm thấu vào nước vào đất, rồi mùi bùn non sau lũ hôi tanh nồng nặc… khiến cho môi trường vùng rốn lũ ở Hương Khê, Vũ Quang đang bị ô nhiễm nặng nề.
Các loại dịch bệnh như, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy đã bắt đầu xuất hiện hoành hành ghê gớm tiếp tục “quật” kiệt sức người dân nghèo nơi đây.
Theo thống kê bước đầu, toàn huyện Hương Khê đã có tới 1.707 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó xã Hà Linh có đến 210 trường hợp, Hòa Hải 300, Phương Mỹ 45, Hương Giang 110, Hương thuỷ 30… riêng bệnh ngoài da như viêm da, nước ăn chân đã có 1.458 trường hợp, trong đó xã Phương Mỹ 300 trường hợp, Hà Linh 235, Hoà Hải 150, Hương Trạch 110, Hương Thuỷ 60 và 118 trường hợp bị bệnh tiêu chảy.
Trong khi đó tại huyện Vũ Quang số trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, viêm da, nước ăn chân cũng đang tăng lên từng ngày.
Theo ông Phan Hải Phú, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tính đến thời điểm này toàn huyện đã có 507 trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu ở xã Đức Hương với 127 trường hợp, Hương Minh 13 trường hợp, riêng bệnh ngoài da như viêm da, nước ăn chân có hơn 800 trường hợp, tập trung ở xã Đức Hương với 400 trường hợp và Đức Bồng 350…
Tại huyện Đức Thọ cũng có 315 trường hợp bị đau mắt đỏ, 118 trường hợp bị nước ăn chân và 62 trường hợp bị viêm da…
Ông Phạm Văn Khang, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê, cho biết sau lũ ngành y tế các cấp phối hợp với chính quyền địa phương triển khai kịp thời việc cấp phát thuốc, xử lý môi trường, khử trùng nguồn nước…và chỉ đạo sát sao cho tất cả các trạm y tế trên địa bàn có mặt 24/24h để hướng dẫn bà con biện pháp xử lý nước, giám sát vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, chôn cất xác xúc vật, phun hoá chất… kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Đến thời điểm này ngành y tế Hà Tĩnh đã trực tiếp xử lý an toàn gần 19.000 giếng nước, 14.000 công trình vệ sinh cho nhân dân ở các vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang…
Ông Phạm Văn Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê lo lắng, toàn xã có hơn 1.000 giếng nước đều bị lũ nhấn chìm, nay nước đã rút để lại thực trạng bị nhiễm bẩn, nhiễm sắt trầm trọng, người dân ở đây chưa thể sử dụng được nguồn nước này. Nghiêm trọng hơn, nguy cơ thiếu đói trên địa bàn trong thời gian tới sẽ rất nan giải, toàn xã Phúc Trạch có 1.600 hộ dân, thì 100% đều sống bằng nghề nông nghiệp, cơn lũ đi qua đã cuốn trôi hàng chục tấn lúa, gạo.
Xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê nằm bên cạnh hạ lưu của con sông Ngàn Sâu, là một trong số 17 xã bị ngập lụt và chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ gây ra. Sau lũ, mọi con đường dẫn vào xã bị nhiều lớp đất bùn đùng đục đặc quánh bao bọc, hai bên đường cỏ, cây cũng bị bùn bám riết… nay gặp trời nắng làm cho khô biến thành bụi bay mù mịt cả một vùng.
Cả xã có gần 4.000 hộ dân với 1.500 nhân khẩu thì đều chìm sâu trong nước lũ từ 6 đến 8m, nay nước rút bao nhiêu tài sản, lúa gạo, gia súc đã bị cuốn sạch theo con nước.
* Quảng Bình: Thu dọn tiêu huỷ hàng ngàn con gia súc chết ở Tân Hóa
Ngày 14-10, tại xã Tân Hóa đã thu dọn gần 10.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi chết, đang phân hủy để đảm bảo môi trường không bị dịch bệnh xảy ra.
Quân khu IV tiếp tục tăng cường thêm 152 cán bộ chiến sĩ của đơn vị Bình Long giúp Tân Hóa khắc phục hậu quả trận lũ. Đại úy Hoàng Xuân Đông, Phó Tham mưu trưởng Đơn vị M9, Đoàn C68 cho biết: Sau ba ngày lao động cật lực, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã vận chuyển 4,5 tấn gạo, 500 thùng mì tôm cứu đói cho từng hộ dân, dọn dẹp vệ sinh, lau rửa bàn ghế của trường tiểu học Cổ Liêm, Trạm Y tế.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức thu dọn, tiêu hủy gần 10.000 con gia súc, gia cầm chết đang thối rữa, làm sạch môi trường. Cục quân y đã viện trợ đồng bào vùng lũ ở Quảng Bình 45 cơ số thuốc, 100kg CloraminB, 400kg phèn chua. Đồng thời, Cục đã chỉ đạo lực lượng quân y Quân khu 4 thành lập 30 tổ quân y cơ động và 4 đội vệ sinh phòng dịch của Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội đã lên đường vào vùng lũ giúp dân.
Trong khi đó sở Y tế Quảng Bình đã cấp cho các vùng lũ 2 tấn cloraminB, 1.500 viên Aquatabs để khử trùng và xử lý các nguồn nước sinh hoạt.
UBND tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức cá nhân trên cả nước ủng hộ đồng bào vùng lũ gần 20 tỷ đồng. Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, tính đến sáng nay, tỉnh Quảng Bình thiệt hại 1.900 tỷ đồng do lũ. Hàng trăm ngàn tấn lương thực bị hư hỏng hoàn toàn, có hơn 2.000 trâu bò bị chết, 27.000 lợn nuôi tử vong do lũ, gần 1 triệu con gia cầm bị lũ nhấn chìm.
Trong khi đó số người thiệt mạng là 45 người, 16 người mất tích, 65 người bị thương.
|
Dương Quang - Minh Phong