Gần đến Ngày sách Việt Nam (21-4), có hai câu chuyện đáng để những ai quan tâm đến văn hóa đọc sách phải suy nghĩ. Đầu tiên là chiến dịch giải cứu 10 tấn sách của một nhà sách cũ vì lý do khách quan phải dừng hoạt động. Hàng ngàn bạn đọc đã kéo đến nhà sách này để mua sách nhằm theo như lời của những người kêu gọi là để “cứu sách không bị bán giấy vụn”. Tuy nhiên, đối với những người yêu sách, cuộc giải cứu này mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là thực tế. Với hơn 30 năm kinh doanh sách cũ, có thể nói những đầu sách quý, hiếm, có giá trị sưu tầm cao chắc chắn đã được chủ nhà sách này thanh lý qua những con đường riêng vốn rất phổ biến trong giới sưu tầm sách cũ, các đầu sách còn lại đều là sách phổ thông.
Nhu cầu mua sách cũ phổ thông hiện giờ đã không còn như xưa. Giới sinh viên học sinh có kinh phí hạn hẹp vốn từng một thời là khách hàng quan trọng của sách cũ, thì nay đã xa rời sách cũ vì nhiều nguyên nhân như: sách học tập cần sách mới, cập nhật thông tin; kho tàng thông tin trên Internet; sách điện tử nhiều và dễ sao chép, sử dụng; sách tái bản giá rẻ… Với người mê sách văn học, lịch sử thì đến nay đa số sách đều được tái bản với chất lượng tốt. Tìm mua sách cũ chỉ còn lại một số ít người vì thói quen, vì kỷ niệm với những cuốn sách xưa. Chính chủ nhà sách cũng thừa nhận việc kinh doanh thời gian qua khá vắng vẻ. Thậm chí cả việc “sách bán giấy vụn” cũng là một điều chưa hẳn đúng, vì đối với những người mua ve chai, nếu là sách thì họ sẽ mang đến bán cho các tiệm sách cũ khác, chừng nào không ai chịu mua, sách cũ mới bị cân ký bán giấy vụn. Chính vì thế, cuộc giải cứu sách rầm rộ cho thấy sự thể hiện tình yêu với sách nhiều hơn là do nhu cầu thực tế.
Câu chuyện thứ hai liên quan đến sách mới, hàng loạt các cuộc tranh cãi, phê phán về những tác phẩm mới được in gần đây gây xôn xao dư luận. Đó có thể là những cuốn sách thiếu nhi có đề tài cổ tích, huyền thoại bị lên án là không phù hợp với bạn đọc thiếu nhi. Đó cũng có thể là dòng sách ngôn tình được cho là “đầu độc bạn đọc” với những chuyện tình ảo vọng, sướt mướt, thậm chí là tình dục.
Có điểm chung nào giữa hai câu chuyện ở trên? Thực ra hai câu chuyện này đều nằm trong một vấn đề mà suốt nhiều năm, từ những người yêu sách đến cả giới học thuật, phê bình văn học trong nước đều đau đầu tranh luận với nhau, đó là khái niệm: Văn hóa đọc sách ở Việt Nam hiện nay. Hiện có hai ý kiến trái ngược nhau trong vấn đề này. Một là Việt Nam có văn hóa đọc sách, điều này xuất phát từ truyền thống dân tộc phát triển đến ngày nay. Minh chứng cho ý kiến này là bất chấp những khó khăn xã hội, kinh tế từ chiến tranh, bao cấp cho đến ngày nay thì người Việt vẫn yêu sách. Vấn đề chỉ là văn hóa đọc sách đang gặp nhiều khó khăn, lối rẽ, thậm chí là có dấu hiệu phát triển tiêu cực.
Phía ngược lại cho rằng trên thực tế chúng ta chưa có văn hóa đọc sách, họ cho rằng yêu sách, đọc sách không đồng nghĩa có một “văn hóa đọc đúng nghĩa”. Văn hóa đọc sách còn đòi hỏi nhiều thứ khác như cách đọc, cách cảm nhận, tiếp nhận và cả sự phản hồi về tác phẩm. Minh chứng cho phía này là có rất nhiều tác phẩm sách bán chạy, nhiều người mua lại hoàn toàn không phải là sách hay, sách tốt mà chỉ đơn thuần là mua sách, đọc sách theo đám đông và còn cả khen, chê sách theo đám đông. Ngoài ra, một nền văn hóa đọc đúng đắn còn phải gắn liền với các vấn đề khác như lý luận phê bình, giải thưởng văn chương uy tín… mà tất cả những cái này ở ta đều đang rơi vào khó khăn. Nếu có nền lý luận phê bình tốt, một cách chọn sách, đọc sách tốt thì những vấn đề tiêu cực trong môi trường sách như vừa qua khó có đất sống.
Ngày sách Việt Nam được hình thành với mong muốn góp phần xây dựng và hình thành một ngày để tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc sách. Đó không đơn thuần là một ngày để bán sách mà là để nhắc về sách, để những người mê sách được tận hưởng niềm đam mê bất tận và cả những người ít quan tâm đến sách cũng có một dịp để nhớ về sách. Nói cách khác, Ngày sách đem đến không khí văn hóa của sách trên cả nước.
TƯỜNG VY