Hai chiều Hà Nội

Hà Nội những ngày cuối năm tất bật và nhộn nhịp hơn hẳn. Có lẽ đã quá quen với thói đỏng đảnh của mùa đông miền Bắc, với cái lạnh cắt da, cắt thịt đến rồi đi nhanh đến chóng mặt ấy, trong những ngày mà thời gian như bóng câu bay qua cửa sổ ấy, người người, nhà nhà đều đổ ra đường.

Trưa nay đi trên phố Bà Triệu, chỗ cắt đường Lý Thường Kiệt mọi khi treo quảng cáo tư vấn du học Anh, hội thảo du học Hàn hôm nay treo băng rôn mang dòng chữ: “Chuẩn bị hành trang cho con đến Harvard”. Giật mình nghĩ, người Hà Nội giàu nhanh thật, nói chuyện cho con du học tại trường danh giá nhất hành tinh mà cứ như chuyện mua sắm áo quần, bàn chải đánh răng và bánh để con đi cắm trại thiếu niên phường trên Bách Thảo năm nào.

Lại thêm một nỗi bồi hồi. Năm xưa, của những túi bánh bích cốt, loại bánh mì khô rán lên tẩm đường, chỉ là chạy qua hàng đường thôi mà ngon cứ như thời bé ăn bánh bích quy hay kẹo piton Pháp. Thật thú vị, cái loại bánh của một thời kháng chiến, một thời đói khổ thì cần phải chú thích rành rẽ để mọi người mới nhớ; chứ còn hàng chữ “Chuẩn bị hành trang cho con đến Harvard” thì chả cần ghi chú nào, dân Hà Nội hầu như đều hiểu.

Có lẽ thấu hiểu niềm hoài cổ của một số đông đảo dân cư, một người bạn mở trên 37 Nam Tràng cạnh hồ Trúc Bạch một cái quán phục dựng ẩm thực và sinh hoạt thời bao cấp. Trên vách quán dán chi chít những tranh ảnh áp phích, có những bức tranh cổ động tất cả để chiến thắng, vẽ cô gái ôm bó lúa vàng và anh bộ đội với bắp tay to gần bằng thân người, thật là quyết tâm, thật là  tin tưởng… Rồi những tờ khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tóm lại, bước chân vào quán đã ra ngay cái thời của anh em mình còn trẻ.

Bia hơi Hà Nội uống bằng cốc thủy tinh thô lấm tấm bọt - những khuyết tật sản phẩm, bằng ca sắt tráng men có dòng chữ Quyết thắng, bằng bát men Bát Tràng nông choèn choèn và màu men hẩm đến đùng đục. Cơm ăn bằng bát sắt tráng men của bộ đội do Trung Quốc viện trợ, chúng mình vẫn gọi là bát B52…

Thú vị nhất khi đang ăn uống thì có một ông mũ cát, quần áo Tô Châu sờn bạc, đeo xà cột giả da đựng toàn sổ sách, chân ống quần còn kẹp cái kẹp đi xe đạp nhằm chống xích xơ nhão quấn vào xé rách mất; dựng đánh xoạch cái xe đạp không chắn bùn chắn xích, hai quai treo tấm biển đăng ký thì tuột mất một, rồi thủng thẳng nói: “Vừa đi họp tuyển quân trên khu về, tiểu khu mình chuyến này phải kiếm đâu cho đủ 20 tân binh”. Khiến mọi người bật cười ha hả. Còn những cô cậu phục vụ thì thỉnh thoảng lại hỏi nhau, không biết đậu phụ tháng này (hoặc thịt, cá khô, mỡ nước) cắt ô số mấy; ô dự phòng liệu có được cắt thịt chín không… Nghĩa là ăn bao cấp, nói bao cấp, trang phục và dùng đồ bao cấp.

Tóm lại, một thời bao cấp nghèo mà vui, gian lao mà hừng hực khí thế và trong lành, đặc biệt là ấm áp trong lành cứ sôi nổi và vui vẻ sống dậy như ký ức cứ sống lại trong ta.  Một bảo tàng sống, làm thức dậy một quá khứ chưa xa, hấp dẫn ngay cả những người còn trẻ. Vì thế mà khách cứ tấp nập đổ đến quán.

Vâng, chính là sau khi ăn nhậu thật thú vị trên quán bao cấp trở về, chỗ cắt Lý Thường Kiệt chợt nhìn thấy dòng chữ “Chuẩn bị hành trang cho con đến Harvard”, lòng cứ rộn lên những suy tư ngược chiều. Hà Nội từ nghèo mà giàu có lên, nhưng cái đáng kể hơn là Hà Nội đang chăm chút cho một tư duy mới, tư duy học hỏi người trong thiên hạ!

VĂN CHINH

Tin cùng chuyên mục