Hài hòa 3 lợi ích

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết theo lộ trình hướng đến khoảng 90% dòng thuế nhập khẩu về 0%. Đó là lý do khi Quốc hội lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến lo ngại về số thu cho ngân sách. Vì khi mở cửa tự do thương mại, nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ về 0%, điều đó đồng nghĩa với nguồn thu ngân sách quốc gia sẽ giảm. Dẫu vậy, việc lớn phải làm. Các cam kết tự do thương mại, mở cửa thị trường, đưa nền kinh tế nước ta hội nhập với thế giới phải được ưu tiên hàng đầu, dù phải tạm thời hy sinh một số thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Hội nhập là một vấn đề lớn, cần nhìn dưới nhiều góc độ để có giải pháp toàn diện. Trước hết, dưới góc độ xã hội thì rõ ràng người dân hân hoan, bởi giảm thuế đã giúp nhiều mặt hàng nhập khẩu không phải chịu thuế hoặc thuế thấp, góp phần giảm giá bán, người dân được hưởng lợi. Thế nhưng, dưới góc độ doanh nghiệp, nỗi lo lại đong đầy… Nếu hàng hóa tự do nhập khẩu thì hàng giá rẻ từ nước ngoài tràn vào, doanh nghiệp trong nước sẽ không cạnh tranh nổi. Điển hình như ngành chăn nuôi vốn nhỏ lẻ, manh mún của Việt Nam sẽ phải đối mặt với chăn nuôi công nghiệp của các nước phát triển, sản phẩm giá thấp. Do vậy, nói như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước: “Phải tính tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, 3 lợi ích này nếu không được tính toán đầy đủ sẽ không có tác động thúc đẩy sản xuất mà còn kìm hãm sự phát triển”.

Công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế phải mang lại lợi ích cho quốc gia. Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã đưa ra nhiều biện pháp phòng vệ để bảo hộ sản xuất trong nước như thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp... Thế nhưng, có lẽ biện pháp mà nhiều quốc gia áp dụng đó là xây dựng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan, như xây dựng các bộ quy chuẩn hàng hóa, buộc hàng hóa từ bên ngoài vào nội địa phải đáp ứng tiêu chuẩn mới được vào. Trước cuộc chơi bình đẳng, nhưng doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức cạnh tranh, nếu chúng ta không có hàng rào kỹ thuật, e sẽ biến thị trường trong nước thành “vùng trũng” cho hàng giá rẻ, kém chất lượng tràn vào. Việc áp dụng hàng rào kỹ thuật là quyền của mỗi quốc gia, không vi phạm các cam kết FTA, lại bảo vệ được người tiêu dùng và hàng hóa sản xuất trong nước, thì cần làm ngay. Đó là xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng mặt hàng, nhất là trước thực trạng nhiều mặt hàng điện gia dụng (nồi cơm điện, bếp, máy xay sinh tố…) kém chất lượng từ nước ngoài tràn vào chiếm lĩnh thị trường.

Ngoài biện pháp “tự vệ”, nhà nước cũng cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, nhất là nguồn vốn cho doanh nghiệp trong nước, nhằm gia tăng giá trị hàng xuất khẩu, đẩy mạnh lượng hàng hóa xuất ra nước ngoài. Làm sao để Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) lần này không chỉ tuân theo luật chơi bình đẳng về thuế quan “anh mở cửa để hàng tôi vào với thuế suất thấp thì tôi cũng đáp trả như thế” theo đúng cam kết quốc tế, mà còn đáp ứng xu thế của sự phát triển là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, ngoài quy định về thuế suất, cần phải xây dựng hành lang pháp lý thống nhất, khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, cần tập trung cải cách hành chính, minh bạch pháp luật… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Giúp doanh nghiệp làm giàu, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, đó là bước đầu góp phần làm hài hòa 3 lợi ích nói trên.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục