Hài hòa giữa xây dựng mới và chỉnh trang đô thị

Nhằm hoàn thiện hệ thống kết nối vùng giữa TPHCM với các địa phương lân cận, phát triển đô thị thành phố theo hướng hiện đại, bền vững, tương thích với vị trí, vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TPHCM đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060. 
Một góc khu trung tâm TPHCM. Ảnh: Huy Phan
Một góc khu trung tâm TPHCM. Ảnh: Huy Phan

Kết nối TPHCM và các địa phương

Về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung, TPHCM xác định đến năm 2040 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM; đồng thời phát triển không gian đô thị TPHCM thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. TPHCM sẽ cân bằng giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu. 

Tầm nhìn phát triển TPHCM đến năm 2060 là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương. TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế lớn nhất quốc gia về du lịch, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế biển, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Đồng thời là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Đông Nam bộ. 

Tại dự thảo về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mà Sở QH-KT TPHCM vừa trình UBND TPHCM, dự báo phát triển sơ bộ quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 12-13 triệu người. Trong đó, dự kiến khu vực nội thành cũ từ 4,5-5 triệu người; khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức) từ 1,7-1,9 triệu người (tầm nhìn đến 2060 là 3 triệu người); khu nội thành phát triển từ 2,2-2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 4,2-5,6 triệu người (dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người). Riêng khu đô thị lấn biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Quy mô đất đai xây dựng đô thị khoảng 100.000-110.000ha, trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14.000ha, khu nội thành phát triển khoảng 35.000ha (bao gồm Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông) và khu ngoại thành khoảng 50.000-60.000ha. 

Về phát triển các khu vực đô thị, thành phố sẽ mở rộng đô thị khu vực phía Đông (TP Thủ Đức), bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ. Khu dân dụng sẽ có khu vực trọng tâm, gồm: Khu đô thị tương tác cao phía Đông, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu du lịch biển Cần Giờ. Các cụm, khu công nghiệp sẽ được sắp xếp theo chuyên ngành, thu hút đầu tư vào công nghiệp sạch, hàm lượng khoa học cao, không gây ô nhiễm môi trường…

Dự báo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 

Hiện Sở QH-KT TPHCM đã phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cơ bản hoàn tất nội dung, nhiệm vụ quy hoạch chung TPHCM. Thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, sở sẽ lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trước khi thành phố thông qua để trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, Sở QH-KT TPHCM cho biết, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, TPHCM đang triển khai tổ chức lập quy hoạch theo dự án “Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Dự án quy hoạch này chỉ mới ở giai đoạn đầu tổ chức lập, chưa đưa ra dự báo, định hướng, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội và ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong khi đó, giữa các quy hoạch liên quan đến TPHCM (Quy hoạch vùng TPHCM; Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025; Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060) còn chưa thống nhất một số nội dung cốt lõi, gồm dự báo dân số và kịch bản phát triển. Đây là nhân tố làm cơ sở định hướng mô hình phát tiển đô thị cho giai đoạn lập quy hoạch, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế liên kết vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ, sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Từ vướng mắc nêu trên, Sở QH-KT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM xem xét, quyết định dự báo dân số và kịch bản phát triển kinh tế - xã hội thành phố, làm cơ sở hoàn tất dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo sở này, kịch bản quy mô dân số cao (từ 11-12,9 triệu dân vào năm 2040; từ 14-16,9 triệu dân vào năm 2060) tương đối phù hợp với hiện trạng chất lượng dân số địa phương và nhập cư của TPHCM, cơ cấu các ngành kinh tế, hành lang pháp lý quản lý đô thị nói chung và tiếp nối xu hướng, phân vùng phát triển nói riêng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường chất lượng dân số, phân bố đồng đều, vận dụng lợi thế liên kết vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ, sáng tạo, thích ứng biến đổi khí hậu, kịch bản dân số cần được xem xét kỹ lưỡng, tham khảo các kịch bản dân số quy mô thấp (từ 10,3-11 triệu dân vào năm 2020; từ 12-14 triệu dân vào năm 2060) làm cơ sở định hướng mô hình phát triển đô thị cho các giai đoạn lập quy hoạch.

Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra ngày 30-12, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu rõ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 phải trên quan điểm phát huy vai trò đặc biệt của TPHCM trong mối quan hệ với vùng TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và với cả nước. Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đặc biệt là thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa các bên trên các lĩnh vực ưu tiên của TPHCM, phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa phát triển không gian đô thị và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục