Hài hòa trong phát triển

Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình không chỉ là mục tiêu mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân TPHCM. Nhìn một góc ảnh chụp TPHCM từ trên cao hiện nay và cách đây khoảng chục năm, ai cũng sẽ nhận ra những đường nét mới, từ những tòa nhà đến những con đường, ẩn chứa bên trong là nội lực của một thành phố trẻ với đầy đủ sự năng động của nó.

Đô thị nào cũng mang nét đẹp của sự phát triển. Nhưng đó là một quá trình mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sẽ tạo nên những cú sốc văn hóa trong cộng đồng. Sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa nét văn hóa làng xã vẫn còn chi phối mạnh mẽ giữa một đô thị với rất nhiều yếu tố văn minh. Trong bối cảnh ấy, nhiều đô thị lớn, trong đó có TPHCM, đã tìm cách giải bài toán xung đột để có được một đô thị văn minh hiện đại với những nét đặc trưng riêng có.

Nhiều năm liền TPHCM chọn chủ đề văn minh đô thị cho thấy quyết tâm của chính quyền và người dân trong việc triển khai chủ trương đưa thành phố trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, từng bước hình thành trung tâm thương mại, tài chính, khoa học công nghệ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã đề ra. Bộ mặt TPHCM hôm nay đã có được những đường nét của một đô thị hiện đại.

Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bước vào giai đoạn cuối mang lại vẻ đẹp và tiện ích cho hàng triệu dân; tuyến đường Đông Tây xuyên hầm sông Sài Gòn như một công trình mang lại dấu ấn của sự quyết tâm từ chính quyền, sự ủng hộ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng kể về những công trình cũng chỉ là bộ mặt của một đô thị, ẩn bên trong đó là nội lực của những con người góp tay ủng hộ, dựng xây và tạo nên một nét văn hóa mới, đó là những công dân đô thị.

Các công trình nghiên cứu đều cho thấy người dân ở nhiều đô thị lớn hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh lúa nước, rất linh hoạt và trọng tình. Điều đó có thể lý giải vấn nạn kẹt xe ở TPHCM và Hà Nội hiện nay đã quá bức xúc, nhưng người dân vẫn có thể “chịu đựng” mỗi ngày. Xe buýt, ô tô không nhúc nhích được thì đi xe máy, xe ôm; xe máy không còn đường thì xuống cuốc bộ; đường lớn “bó tay” thì luồn lách vô đường hẻm… miễn sao đến được công sở hoặc về tới nhà. Nhưng người dân cũng ý thức được rằng đó là sự “chịu đựng” nhất thời và đích đến trong suy nghĩ mỗi người vẫn là trật tự của một đô thị văn minh.

Vì vậy, hầu như tất cả chủ trương, hoạt động của thành phố hướng đến một môi trường sống hiện đại đều được người dân nhiệt tình ủng hộ và trở thành động lực chính để đưa chủ trương thành hiện thực. TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng hay Cần Thơ… những đô thị đang ngày càng thay da đổi thịt, tạo nên nét đặc sắc của từng đô thị hiện đại luôn mang dấu ấn của cư dân nơi ấy.

Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một hành trình dài, không thể chạy theo phong trào. Truyền thống văn hóa không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Vì vậy, xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại trước tiên phải xuất phát từ tư duy của những nhà lãnh đạo và quy hoạch. Nóng vội hay áp đặt một ý tưởng thiếu tầm nhìn sẽ dẫn đến phá vỡ sự phát triển cân đối và đúng hướng. Khi đó, khắc phục sai lầm càng khó khăn và mất thời gian hơn gấp nhiều lần.

Trong quá trình đó, cư dân đô thị vừa là người được thụ hưởng nhưng cũng là người phải hy sinh nhiều quyền lợi thiết thân. Hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm công dân luôn là bài học lớn trong phát triển của hầu hết các đô thị hiện nay.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục