“Hai Lúa” làm du lịch

Tại Ngày hội du lịch vừa tổ chức ở TPHCM mới đây, bên cạnh những doanh nghiệp làm du lịch bài bản chuyên nghiệp, không ít người lại chú ý đến gian hàng du lịch khiêm tốn của Trung tâm Du lịch Nông dân An Giang (TTDLNDAG), bởi chất bình dị và mộc mạc. Người đứng ra giới thiệu là anh Nguyễn Thanh Tùng, ở Văn phòng du lịch nông dân An Giang với màu da đen giòn, đậm chất “Hai Lúa” miền Tây Nam bộ về mô hình du lịch nông nghiệp với các nhà báo.

Năm 2007, để giúp nông dân Việt Nam có thêm việc làm, nâng cao thu nhập cũng như cải thiện đời sống, Hội Nông dân Hà Lan (Agriterra) đã tài trợ 390.000 EUR cho 3 tỉnh Lào Cai, Tiền Giang và An Giang triển khai dự án về du lịch nông nghiệp. Sau 3 năm thực hiện, TTDLNDAG đã xây dựng được mô hình du lịch ở xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), Tân Trung (huyện Phú Tân) và Mỹ Hòa (TP Long Xuyên). Anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết, mỗi xã có khoảng 10-15 hộ nông dân được tập huấn về cách đón tiếp, phục vụ du khách và được trang bị thêm vốn ngoại ngữ tối thiểu cần thiết để đón khách quốc tế.

Thật ra bà con không cần phải đầu tư gì nhiều, vì phương tiện phục vụ du khách từ ghe xuồng, các vật dụng sản xuất hàng ngày và nơi ăn ở đều là những thứ mà bà con tiếp xúc, sử dụng hàng ngày. Để phục vụ khách du lịch, bà con nông dân quen cảnh chân lấm tay bùn với đồng ruộng chỉ cần thay đổi chút ít để nhìn tươm tất, đạt yêu cầu vệ sinh hơn. Hiện nay, TTDLNDAG đã hình thành các tuyến du lịch đưa du khách tham quan khu lưu niệm Bác Tôn, chợ Nổi và làng bè Long Xuyên bằng thuyền du lịch; tổ chức chài lưới bắt cá, tắm bùn phù sa trên sông; tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức đặc sản; tham quan nhà cổ dịch vụ ở tại nhà (homestay), tham quan rừng Trà Sư; dã ngoại Thất Sơn…

Đặc biệt, có cả tuyến săn kình ngư cá bông lau, cá hô lớn trên sông Mekong. Với cách làm du lịch “liệu cơm gắp mắm” không mở văn phòng đại diện tại các TP lớn mà hợp tác với các công ty du lịch khác để cùng khai thác thế mạnh tại chỗ, nên lượng du khách đến địa phương không có sự đột biến nhưng tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Năm 2008 đón khoảng 1.000 du khách, năm 2009 là 2.000 du khách, năm 2010 lên 4.000 du khách, năm rồi là 7.000 du khách và hơn 3 tháng đầu năm nay đã có khoảng 3.000 du khách tham quan, trong đó, 1/10 là khách nước ngoài.

Nếu như mỗi năm An Giang đón 5-6 triệu du khách nội địa đến đây thì con số này còn rất khiêm tốn, tuy nhiên khi loại hình du lịch này phổ biến hơn nữa, chắc chắn số lượng du khách tham gia sẽ tăng lên. Những nhà làm du lịch chuyên nghiệp nhìn nhận tiềm năng về loại hình du lịch nông nghiệp, bởi du khách giờ đây không chỉ đi du lịch đơn thuần mà bắt đầu chú ý đến đời sống thường ngày của người dân địa phương. Muốn được tự khám phá bằng các phương tiện tại chỗ thay vì các phương tiện có sẵn đưa đến tận nơi như trước.

Cùng với những con số tăng trưởng trên, bà con nông dân có thêm việc làm và điều quan trọng là tăng thêm thu nhập. Những hộ tham gia vào các hợp tác làm du lịch thu nhập hàng tháng có sự gia tăng khá rõ. Trước đó chỉ 2 triệu đồng/hộ/tháng, nay tăng lên đến 5-6 triệu đồng, thậm chí 10-20 triệu đồng/hộ/tháng. Theo anh Tùng, khoản thu nhập tăng thêm này là từ các sản phẩm có sẵn tại vườn nhà như gà, vịt, cá... Thay vì bán cho thương lái với giá rẻ, nay chế biến và phục vụ cho du khách với giá cao hơn nhiều nhưng vẫn rẻ hơn các nhà hàng. Với thành công này, Hội Nông dân Hà Lan đã chọn An Giang để tài trợ tiếp cho giai đoạn 2 với số tiền khoảng 9 tỷ đồng, mở rộng quy mô làm du lịch ra 12 xã, phường.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục