
Chuyện anh thợ cơ khí người Khmer Kiên Hùng ở ấp Hòa Hưng, xã Mỹ Hòa, Cầu Ngang (Trà Vinh) “sáng chế” chiếc máy bóc tách vỏ đậu phộng gây sự ngạc nhiên không chỉ trong phum sóc mà cả các nhà khoa học.
“Kỹ sư” tay ngang!

Kiến Hùng bên máy tách vỏ đậu phộng
Sinh ra trong gia đình nghèo, Kiên Hùng phải bỏ học khi chưa hoàn thành chương trình cấp hai. Cuộc đời anh Kiên Hùng có lẽ sẽ chẳng khác gì so với bao chàng trai Khmer cùng phum sóc, nghĩa là cũng sẽ gắn chặt với con trâu dưới đồng hoặc cùng đôi thùng tưới oằn vai trên giồng cát, nếu không có lần tình cờ theo cha đến một cơ sở cơ khí ngoài thị trấn Cầu Ngang hàn lại chiếc lưỡi cày bị hỏng… Thấy cậu bé Khmer có vẻ hiền lành cứ quẩn quanh, người chủ cơ sở nhận anh vào cho học nghề thí công. Tiếng là học nghề, thực ra anh chỉ là người sai vặt, chứ hơn hai năm ở cơ sở có ai chỉ cho anh thao tác cầm mũi hàn, cách cắt thanh sắt ra làm sao. Nhưng nhờ sáng dạ, Kiên Hùng cũng có thể làm được những công việc bào, phay, tiện, nguội... bằng cách nhìn những anh thợ lớn tuổi làm mà ghi vào bụng...
Năm 1986 theo tiếng gọi “đời trai”, anh nhập ngũ, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, năm 1989, ra quân, Kiên Hùng được nhận vào làm việc tại Xí nghiệp Sửa chữa tàu sông tỉnh Hậu Giang. Với lòng đam mê, yêu thích nghề cơ khí nên anh luôn gắn với phân xưởng cơ khí của xí nghiệp, dù là ngày nghỉ hay ngoài ca lao động. Nhờ vậy, hai năm sau, rời xí nghiệp trở về quê hương xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Kiên Hùng trở thành anh thợ cơ khí giỏi có tiếng. Lúc mới ra nghề anh “chuyên trị” việc đóng sửa máy suốt lúa, một mặt hàng đang được ưa chuộng ở vùng nông thôn bước đầu công nghiệp hóa. Rồi trong một dịp tình cờ, hay nói đúng hơn là cơ may, anh Ba Ngoan, một nông dân nhiều đời gắn bó với cây đậu phộng ở ấp Bến Kinh, xã Mỹ Long Bắc tìm đến Kiên Hùng - người thợ cơ khí giỏi nhất Cầu Ngang cầu cứu. Nghe nói chuyện thử chế máy tách vỏ đậu phộng, anh Kiên Hùng nhớ lại cái cảm giác ê ẩm cả đầu ngón tay và những đêm thức suốt hồi bé nên nhận lời ngay, dù chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu.
Huyện Cầu Ngang, với những con giồng cát mênh mông nối nhau trải dài tít tắp, từ lâu đã được biết đến là “vương quốc” của cây đậu phộng. Lặt đậu, phơi đậu... là công việc thường ngày của cánh phụ nữ và trẻ con ở đây. Đêm đêm, cả gia đình, có khi là vài gia đình xúm nhau ngồi tách vỏ đậu thâu đêm để sáng mai kịp cân cho bạn hàng. Công việc không nặng nhọc gì nhưng cũng đủ làm cho bọn trẻ ê ẩm cả đầu ngón tay và ngày hôm sau vào lớp cứ lơ mơ vì thiếu ngủ.
Mùa mưa năm 1995, khi người nông dân tỉa hạt, bắt đầu đi vào mùa vụ đậu phộng thì anh Kiên Hùng cũng khăn gói và mang cả máy tiện, máy hàn ra ở hẳn nhà anh Ba Ngoan, bắt đầu công việc. Tháo rời chiếc thùng gỗ của chu nhà ra, anh Hùng nhận ra rằng nếu sử dụng lực va đập thì tỷ lệ đậu hạt bị vỡ sẽ rất cao, khó đạt yêu cầu. Anh quyết định chuyển sang sử dụng nguyên lý lực ép nén. Vậy là gần chục đêm thức trắng với cây bút chì và quyển tập, hết vẽ rồi xóa, hết xóa lại vẽ. Cuối cùng, anh dừng lại ở mô hình bắt chước chiếc máy xay lúa mi - ni.
Hơn một tháng trời, anh cứ phải mày mò làm thử và phải đến vài chục lần mới có thể tìm ra chế độ vận hành phù hợp nhất. Hôm máy vận hành thử nghiệm thành công, anh Ba Ngoan và “kỹ sư tay ngang” Kiên Hùng mừng đến rơi nước mắt. Mùa thu hoạch đậu phộng năm đó, nhà anh Ba Ngoan ở ấp Bến Kinh có được chiếc máy tách vỏ đậu đầu tiên mà công suất lên đến 50 giạ đậu vỏ/giờ, nghĩa là tương đương với 40 ngày công lao động bóc tách thủ công.
“Hai Lúa” thời hội nhập
Việc “Hai Lúa” Kiên Hùng “chế tạo” thành công chiếc máy bóc tách vỏ đậu phộng đã giải quyết được một khâu trọng yếu, tạo ra cơ hội lớn để nông dân huyện Cầu Ngang cũng như cả tỉnh Trà Vinh nhanh chóng mở rộng diện tích đậu phộng lên đến con số vài chục lần so với trước đây. Nhiều hộ đã dám mạnh dạn trồng đến vài héc ta. Từ cây đậu phộng, không ít hộ nông dân, nhất là nông dân Khmer thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Từ ngày “sáng chế” ra chiếc máy tách đậu phộng, tên tuổi Kiên Hùng “nổi như cồn” cơ sở cơ khí Kiên Hùng (tại ấp Hòa Hưng, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang) đã nhận sản xuất 17 chiếc máy bóc tách vỏ đậu phộng theo đặt hàng của bà con khắp các tỉnh ĐBSCL. Ngoài nhận hợp đồng sản xuất máy tách vỏ đậu phộng cho các tỉnh theo đơn đặt hàng, nhờ “mát tay” và giá cả “ hữu nghị”, hàng năm Kiên Hùng còn sửa chữa, nâng cấp, đóng mới hàng chục chiếc máy tuốt lúa cho nhà nông trong vùng. Hơn 10 chiếc máy tuốt lúa “made in Kiên Hùng” xuất xưởng hoạt động chẳng thua kém các cơ sở sản xuất ở TP HCM, các viện, trường. Hiên nay, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học - công nghệ, Trung tâm Khuyến công Trà Vinh, anh đang tiếp tục cải tiến để hoàn thiện chiếc máy theo hướng gọn nhẹ, dễ vận hành, ít tiêu tốn nhiên liệu mà năng suất cao. Hiện chiếc máy bóc tách vỏ đậu phộng của anh chiếm diện tích 1,2 x 2m, cao 2m, nặng trên dưới 200kg, năng suất đạt mức 70 giạ đậu vỏ/giờ. Giá bán ra của chiếc máy là 4,5 triệu đồng.
Để tôn vinh “thành quả” lao động sáng tạo của anh, các ngành chức năng đang hỗ trợ anh hoàn thành đăng ký độc quyền sở hữu công nghệ và trong tương lai không xa, sau “chiếc máy hút bùn” của anh Trần Văn Dũng xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, “chiếc máy tách đậu phộng”, “nhà khoa học chân đất” Kiên Hùng sẽ được công nhận độc quyền sở hữu công nghệ. Đây là món quà quý nhằm tôn vinh những sáng tạo giữa đời thường đối với “nhà nông” thời hội nhập, không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn cho xã hội cho đất nước. |
Đình Cảnh