Hải sản Việt với hương vị Thái

Người “bén duyên” với… cua Việt Nam
Hải sản Việt với hương vị Thái

Người “bén duyên” với… cua Việt Nam

Hải sản Việt với hương vị Thái ảnh 1

Nhân viên nhà hàng Samyan

Cuối năm 2000, tôi có dịp sang Bangkok và gặp anh Pichai, chủ một vựa cua chuyên cung cấp mặt hàng hải sản này cho tập đoàn nhà hàng Samyan trên đất nước chùa Vàng. Cua mà anh Pichai nhập về có xuất xứ từ vùng Năm Căn, Cà Mau của Việt Nam. Khi ấy muốn nói chuyện với anh tôi phải nhờ qua một người bạn người Việt biết nói tiếng… Tiều, vì cả anh bạn tôi lẫn anh Pichai đều có gốc gác từ Phúc Kiến (Trung Quốc).

Anh Pichai dẫn chúng tôi đi thăm một số vựa cua khác chuyên nhập các loại hải sản từ Việt Nam. Từ đó tôi mới biết rằng nguồn hải sản Việt Nam, đặc biệt là cua vùng Cà Mau, chiếm một vị trí không nhỏ trong thị trường tiêu thụ ở Thái.

Gần 8 năm sau, tôi gặp lại anh Pichai ngay tại TP Hồ Chí Minh. Bây giờ anh đang quản lý nhà hàng hải sản Samyan tại số 382 EF Trần Hưng Đạo B (P.11, Q.5). Tiếp chúng tôi, anh Pichai nở nụ cười đôn hậu và nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Tôi học nói tiếng Việt từ hơn 2 năm, bắt đầu từ lúc đến Năm Căn, Cà Mau để mua cua đấy”.

Thì ra hơn 2 năm qua, anh Pichai đã trực tiếp vào vùng nuôi cua ở Việt Nam để điều hành việc mua bán và vận chuyển cua cùng một số loại hải sản khác của Việt Nam sang Thái Lan. Hàng ngày nhóm của anh xuất sang Thái cả một tấn cua, loại từ 800gr/con trở lên. “Nhưng tôi không còn trực tiếp trông coi việc mua bán nữa mà bàn giao cho người khác rồi, bây giờ tôi lên Sài Gòn quản lý nhà hàng này cho Samyan”, anh Pichai cười sảng khoái khi kể về việc làm ăn của mình.

Anh tâm sự: “Ở Việt Nam làm ăn dễ chịu lắm. Tôi thấy người Việt và người Thái có thói quen ăn uống rất giống nhau cho nên tôi đã bàn và được ông chủ nhà hàng Sanyam đồng ý cho mở chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh”. Anh phấn khởi khoe: “Đây là hải sản loại một được nhập từ Năm Căn, Cà Mau. Anh xem, những con cua to và chắc thịt này, ngay cả ở Thái Lan cũng hiếm có lắm đấy, chỉ thấy trên nhà hàng năm sao thôi”.

Câu chuyện bất ngờ phải tạm ngưng vì anh Pichai bận tiếp hai người khách mới. Lát sau quay lại với chúng tôi, anh nói: “Các món ăn chủ yếu được chế biến theo khẩu vị, hương vị Trung Hoa và Thái Lan, chúng tôi cũng gia giảm một ít cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam nhưng không làm mất khẩu vị, hương vị truyền thống”.

Đặc sản “không đụng hàng”!

Anh Pichai giới thiệu cho chúng tôi 3 món ăn đặc sản “bảo đảm không đụng hàng” của nhà hàng do 2 đầu bếp người Thái tên Joy và Loy với tay nghề 17 năm kinh nghiệm chế biến: cua xào cà-ri, vi cá sốt đỏ và tôm hấp bún tàu.

Trên dĩa, con cua lớn đỏ au chắc nậy phủ đầy cà- ri. Cà-ri được nấu thật khéo, giống như màu gạch cua trông thật hấp dẫn. Mùi cà-ri không nồng chỉ thoang thoảng; vị không béo ngậy, không ngọt gắt mà rất thanh, thấm dần và không gây “sốc”. Bí quyết nằm ở nghệ thuật nấu nước sốt mà độ chính xác của nó chỉ có thể cảm nhận được từ kinh nghiệm và khả năng thiên bẩm của mỗi đầu bếp. Con cua gần 1kg mà giá của món này lại  khá “bèo”: 195.000đ.

Cùng với cách chế biến nước sốt không kém phần công phu nói trên có món vi cá sốt đỏ. Món ăn này làm chúng tôi gợi nhớ đến một trong những món ăn cung đình dành riêng cho các bậc vương hầu. Vi cá nhám (cá mập) được làm sạch nấu mềm, khi ăn có cảm giác sần sật nơi đầu lưỡi. Tuy nhiên phần tuyệt hảo lại nằm ở nước sốt. Nước ngọt dịu vì được nấu từ xương và hải sản và có mùi vị như canh sâm.

Phần ăn dành cho 2 người cũng có giá khá “mềm”:  95.000đ. Xếp vào hàng “đại bổ” có tác dụng bồi dưỡng sinh lực phải kể đến món tôm hấp bún tàu. Sợi bún mềm và dai – anh Pichai cam đoan “không dai không ngon” – được ướp và nấu với thuốc bắc và một số gia vị đậm đà như: hoa hồi, quế, tiêu …

Nguồn hải sản phong phú của Việt Nam qua cách chế biến mang hương vị Thái Lan chính là nét độc đáo của nhà hàng hải sản Samyan.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục