Hai trận động đất gây chấn động vùng Ấn Độ Dương

* Bỏ cảnh báo sóng thần Ngày 11-4, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, 2 trận động đất liên tiếp mạnh 8,7 độ richter và 8,2 độ richter ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây của miền Bắc đảo Sumatra đã làm rung chuyển toàn vùng Ấn Độ Dương.
Hai trận động đất gây chấn động vùng Ấn Độ Dương

* Bỏ cảnh báo sóng thần

Ngày 11-4, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, 2 trận động đất liên tiếp mạnh 8,7 độ richter và 8,2 độ richter ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây của miền Bắc đảo Sumatra đã làm rung chuyển toàn vùng Ấn Độ Dương.

Trận thứ nhất xảy ra vào lúc 8 giờ 38 phút giờ GMT (tức 15 giờ 38 phút giờ VN) với tâm chấn động đất ở độ sâu 33km, cách thành phố Banda Aceh ở phía Bắc đảo Sumatra khoảng 431km. Dư chấn của trận động đất này có thể cảm nhận thấy tại Singapore, Thái Lan, Việt Nam và miền Nam Ấn Độ… Trận thứ hai xảy ra vào lúc 10 giờ 43 phút giờ GMT (17 giờ 43 phút giờ VN) với tâm chấn động đất ở độ sâu 16,4km và ban đầu được xác định cách Banda Aceh ở cực Bắc Sumatra 615km về phía Tây Nam. Từ trận động đất đầu tiên đến trận động đất thứ hai đã liên tục có 8 cơn dư chấn ở khu vực này với cường độ từ 5,2 - 6,4 độ richter.

Vị trí và tầm ảnh hưởng của trận động đất đầu tiên.

Vị trí và tầm ảnh hưởng của trận động đất đầu tiên.


Indonesia nằm trên các đứt gãy của Trái đất, nơi thường xảy ra động đất và núi lửa. Khu vực xảy ra động đất ngày hôm qua cũng từng chứng kiến một trận động đất kinh hoàng vào tháng 12-2004. Cơn đại địa chấn 9,1 độ richter ngoài khơi Sumatra gây sóng thần ở các nước Ấn Độ Dương, cướp đi mạng sống của gần 300.000 người, trong đó 1/4 ở Indonesia.
Chính phủ Indonesia đã ban bố cảnh báo sóng thần tại 5 tỉnh dọc theo bờ biển phía Tây Sumatra, trong đó có tỉnh Aceh.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ cũng đã ban bố cảnh báo sóng thần quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, bang duyên hải Kerala, Orissa, Andhra Pradesh và Tamil Nadu.
Sri Lanka cũng ban bố cảnh báo sóng thần vì theo dự đoán của cơ quan chức năng những đợt sóng thần đầu tiên có thể xuất hiện tại quận Trincomalee phía Đông nước này vào lúc 10 giờ 40 phút giờ GMT (tức 17 giờ 40 phút giờ VN).
Malaysia yêu cầu cư dân dọc theo các vùng biển sơ tán. Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu người dân tại vùng bờ biển Andaman, một địa điểm đông du khách, nhanh chóng sơ tán lên vùng cao.

Chuẩn bị sơ tán bệnh nhân ở Banda Aceh.

Chuẩn bị sơ tán bệnh nhân ở Banda Aceh.

Ngay sau khi trận động đất thứ nhất xảy ra, nhiều người dân đảo Sumatra chạy ra khỏi nhà, hét to những lời cầu nguyện. Họ lên ô tô, xe máy, lao ra đường phố chật cứng những người đang tìm đường đến nơi cao hơn. Tại tỉnh Aceh, điện bị cúp và giao thông tắc nghẽn khi mọi người đổ xô chạy lên vùng đất cao hơn để tránh sóng thần. Tại thủ đô Sri Lanka của Colombo, đám đông hoảng loạn chạy ra khỏi các tòa nhà và tụ tập trên đường phố sau những trận rung lắc dữ dội.

Tối 11-4, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii dỡ bỏ cảnh báo sóng thần tại vùng biển này, nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia… cũng dỡ bỏ lệnh cảnh báo sóng thần được đưa ra ngay sau trận động đất đầu tiên.

Truyền thông Thái Lan cho hay, tất cả 69 tháp cảnh báo sóng thần ở miền Nam Thái Lan đã phát báo động. Sân bay Phuket đã đóng cửa, các chuyến bay đến đây bị hủy. Theo The Nation, một số chuyến bay đang trên đường đến Phuket đã buộc phải quay lại nơi xuất phát.

Tính đến 0 giờ ngày 12-4 (giờ VN), chỉ có 3 đợt sóng thần nhỏ xuất hiện ở bờ biển Indonesia, cao nhất chỉ 80cm và một đợt sóng thần sóng cao khoảng 1m được ghi nhận đã đánh vào đảo Sumatra. Cơ quan Thảm họa quốc gia Indonesia cho biết họ vẫn đang tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại và thương vong từ trận sóng thần này, đồng thời dự báo các cơn dư chấn nhỏ sẽ tiếp tục xuất hiện ở khu vực phía Tây nước này. Dự kiến sáng nay (12-4) sẽ có những đánh giá sơ bộ về thiệt hại do trận động đất gây ra. 

XUÂN HẠNH

Sóng động đất lan tới Việt Nam

* TPHCM, Hà Nội rung lắc nhẹ

(SGGP).- Khoảng 15 giờ 40 chiều 11-4, nhiều người đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở TPHCM và Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc trên bàn làm việc và các vật dụng treo tường. Trạm đo địa chấn ở phía Nam ghi nhận được những rung động nhỏ, dưới 5 độ richter. Chị Liên Hương (nhân viên làm việc tại cao ốc Bitexco TPHCM), cho biết: “Tôi đang ngồi làm việc thì có cảm giác chiếc ghế rung lên, có thể thấy các sóng nước trong chiếc ly đặt cạnh máy vi tính nhưng không biết do nguyên nhân gì. Hiện tượng rung lắc kéo dài hơn 5 phút mới dừng lại”.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho rằng: TPHCM không nằm trong khu vực có khả năng động đất cao do vậy chỉ những công trình cao tầng, công trình có quy mô lớn… khi xây dựng mới tính đến khả năng thích ứng với động đất. PGS-TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam, cho biết sau khi xảy ra động đất ở Indonesia, tại Việt Nam cũng chịu dư chấn.

Tuy nhiên, do cơn động đất nằm ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia), nên tại Việt Nam chỉ đo được rung lắc cấp độ 3 (cấp cao nhất 12). TPHCM có nhiều tòa nhà cao tầng nên dễ cảm nhận. Còn ở Hà Nội, cũng có dư chấn xảy ra song người dân cảm nhận sự rung lắc nhẹ hơn so với ở TPHCM. Nguyên nhân là do Hà Nội nằm xa khu vực động đất nên chỉ những người ở khu vực nhà cao tầng mới có cảm nhận. Cũng theo ông Minh, thực chất đây chỉ là sóng động đất lan tỏa chứ không phải là dư chấn động đất nên không gây ảnh hưởng nhiều.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục