Hai vấn đề cốt lõi trong văn hóa đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, tầm mức quốc tế. Chưa nói tới vị trí trung tâm nhiều mặt, chỉ nói tới số dân với gần 8 triệu người, vấn đề văn hóa đô thị có tầm quan trọng đặc biệt. Để xây dựng thành phố ta là một thành phố văn minh hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra không thể không có một nền tảng văn hóa đô thị vững chắc.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu rộng về văn hóa đô thị, người viết chỉ nêu hai vấn đề cốt lõi để hình thành văn hóa đô thị. Đó là văn hóa đọc và văn hóa cộng đồng. Trước hết, phải nói ngay, đây là hai vấn đề đã được bàn luận rất nhiều. Hội thảo quốc gia, hội thảo địa phương và các trang thông tin thời sự của giới truyền thông cũng thường xuyên đề cập tới. Tuy nhiên, hiệu quả từ thực tế xã hội vẫn chưa thấy rõ. Văn minh trật tự đô thị vẫn là vấn đề nóng. Ai cũng dễ dàng nhận ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan, những lực cản, rào cản.

Tuy nhiên, việc nhận diện nguyên nhân, lực cản vẫn còn chung chung, dàn trải, chính phụ lẫn lộn, chủ quan, khách quan chưa cụ thể rõ ràng. Thực tế cho thấy lực cản chính trong vấn đề xây dựng văn hóa đô thị nằm ở hai lĩnh vực: tri thức và văn hóa cộng đồng.

Nói tới tri thức, người ta nhớ ngay tới câu nói có giá trị châm ngôn “Sách là tri thức của cuộc sống”. Không có sách con người không thể phát triển bền vững được. Tinh hoa của nhân loại nằm ở trong sách. Sách cần thiết cho mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. Mọi công nghệ tiên tiến, mọi thành tựu khoa học đều xuất phát từ sách.

Chính vì vậy, để nâng cao dân trí, để tăng thêm tri thức cho mọi người, văn hóa đọc cần phải được quan tâm, được đầu tư và định hướng đúng đắn. Có tri thức, mỗi người dù bất kỳ ở lứa tuổi nào, ở hoàn cảnh nào cũng có được nhận thức đúng về hoàn cảnh xã hội, có ý thức trách nhiệm với hiện tại, quá khứ, tương lai. Người ta thường nói, phải có tri thức mới vượt lên chính mình là vậy. Bởi thế, nói văn hóa đọc là một nền tảng của văn hóa đô thị không cường điệu chút nào.

Vấn đề thứ hai cần được đặc biệt chú ý là văn hóa cộng đồng. Một trong những đặc trưng của người đô thị là con người xã hội thể hiện rất rõ. Sống trong xã hội đô thị lớn như TPHCM, người dân không thể sống tùy tiện theo ý thích của mình mà không tính tới những quy định của pháp luật, những quy ước hành xử văn hóa.

Nói ngắn gọn, đặc điểm của dân đô thị lớn là người có văn hóa cộng đồng. Văn hóa cộng đồng là một phạm trù mở, nhưng nội hàm chính yếu của nó bao gồm: văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông và văn hóa công sở. Ba lĩnh vực trên đã được thông tin, được thảo luận thường xuyên trên địa bàn thành phố. Đây cũng là ba vấn đề cốt lõi của chương trình hành động “Năm văn minh, trật tự đô thị” vừa qua ở TPHCM.

Cần nói thêm, văn hóa đến với mỗi người không giống như việc giải phẫu thẩm mỹ. Sử dụng dao kéo và silicon có thể tạo dựng được một khuôn mặt đẹp ngay tức thì. Nhưng nhất quyết không thể tạo dựng được khuôn mặt văn hóa ngay lập tức. Văn hóa đến với con người một cách tự nhiên theo những trình tự từ thấp tới cao. Văn hóa chỉ đến với người khi người có ý thức đến với văn hóa.

Bởi vậy, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố về văn hóa rất cần có một chiến lược đầu tư phát triển văn hóa đọc và văn hóa cộng đồng. TPHCM cần phải là một trung tâm quan trọng xuất bản nhiều sách hay, bổ ích bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa nghệ thuật, kinh tế, khảo cứu địa lý, lịch sử, triết học và một hệ thống thư viện, tủ sách hoạt động có hiệu quả.

Vấn đề sống, làm việc theo pháp luật và cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, trật tự cần được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng hơn. Chiến lược xây dựng văn hóa đô thị nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội với tinh thần kiên trì, liên tục.

TRẦN VĂN

Tin cùng chuyên mục