Hám rẻ, nhập thịt sắp hết đát!

Cục Chăn nuôi cho biết, dù giá thịt gà trong nước giảm mạnh thời gian qua, nhưng cũng đã có 41.310 tấn thịt nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó, thịt gà, chiếm hơn 94%, tương đương gần 39.000 tấn. Như vậy, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 6.500 tấn thịt gà.

Theo ông Lê Thanh Phương, Giám đốc bộ phận chăn nuôi gia cầm Công ty Emivest Việt Nam, con số này tương đương với 3,2 triệu con gà công nghiệp, tức bằng 15% lượng cung gà công nghiệp nuôi trong nước mỗi tháng. Như vậy lượng thịt gà nhập khẩu chính ngạch, quy đổi, có gần 20 triệu con gà nhập khẩu 6 tháng qua. Trong khi đó, loại gà thải sau thời gian nuôi đẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn giá gà xuất chuồng ngay trong nước, đã đẩy người chăn nuôi vào thế rất khó khăn. Chỉ trong tuần qua, giá gà giảm 2 lần với 6.000 đồng/kg và trong 1 tháng giảm 12.000 đồng/kg. Mỗi ký gà công nghiệp nuôi bị lỗ khoảng 11.000 đồng/kg. Tình trạng này kéo dài hơn 3 tháng qua làm một lượng không nhỏ số người nuôi gà công nghiệp trong nước đóng cửa trại. Tại Bình Phước, gần 50% trại gà công nghiệp phải ngưng nuôi. Nếu tình trạng này tiếp tục, thịt gà nhập khẩu sẽ thay thế dần và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đến công ăn việc làm và nhiều khâu liên quan khác của chăn nuôi.

Điều kỳ lạ là, không lẽ giá thành chăn nuôi ở nước ngoài thấp đến mức, thịt nhập khẩu dù phải chịu nhiều chi phí như thuế nhập khẩu, vận chuyển… vào đến Việt Nam bán ra vẫn có lời để nhiều doanh nghiệp nhập về với số lượng lớn như vậy? TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, ở nước ngoài, người tiêu dùng chỉ ăn ức gà, phần còn lại như cánh, đùi, cổ… là phụ phẩm, dùng để chế biến làm thức ăn chăn nuôi, nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại thích ăn những phần này nên được công ty nước ngoài bán với giá rẻ, phần thuế nhập khẩu cũng chỉ có 20% so với nhập nguyên con là 40%.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, khi đi tìm hiểu thực tế một số nước mới phát hiện việc các nước bán thịt gà theo hạn sử dụng. Với công nghệ cấp đông hiện nay có thể để lâu vài năm. Nếu hạn sử dụng gà còn 1 năm giá là 10 USD/kg, nếu còn 6 tháng giá chỉ bằng 50% và khi hạn sử dụng 1 - 2 tháng giá còn 2 - 3USD/kg. Biết được việc này, không ít doanh nghiệp Việt Nam mua toàn thịt cận hạn sử dụng, gần hết “đát” nhập về để bán ra thị trường và rất khó bị phát hiện do khâu hậu kiểm ở Việt Nam còn yếu. Đó là chưa nói tình trạng doanh nghiệp cố tình sửa lại hạn sử dụng bằng cách dán nhãn mới đưa ra thị trường. Tình trạng này đã bị Chi cục Thú y TPHCM từng phát hiện vài năm trước, và có doanh nghiệp là “trùm” trong nhập khẩu thịt khi bị phát hiện, xử lý, đã tự giải thể và lập công ty mới tiếp tục kinh doanh!

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang cho rằng, khi gia nhập WTO, chúng ta chấp nhận việc cạnh tranh và có lộ trình cho việc giảm thuế dần khi nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm qua từng năm, nhưng với tình trạng này, Nhà nước cần có những biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế tối đa việc nhập khẩu dạng này. Nhất là khi đã biết rõ chiêu thức mà nhà nhập khẩu đang áp dụng để mua với giá rẻ, thậm chí cực rẻ để bán ra thị trường. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm cho cả ngành chăn nuôi trong nước bị thiệt hại nặng nề chỉ vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục