Hạn chế, bất cập trong xét tuyển đại học: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm

Chiều 21-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các ban ngành rút kinh nghiệm về xét tuyển đại học năm 2015. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận những hạn chế, bất cập của đợt xét tuyển đại học vừa qua và nhận trách nhiệm.
Hạn chế, bất cập trong xét tuyển đại học: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm

Chiều 21-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các ban ngành rút kinh nghiệm về xét tuyển đại học năm 2015. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận những hạn chế, bất cập của đợt xét tuyển đại học vừa qua và nhận trách nhiệm.

43.000 thí sinh thay đổi nguyện vọng

Báo cáo về đợt 1 xét tuyển đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ảnh) thừa nhận, đợt tuyển sinh vừa qua đã bộc lộ những bất cập. Thứ nhất là cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 4 ngành, lại được thay đổi nguyện vọng trong thời gian dài là 20 ngày. Những quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa hợp lý tạo ra sự lo lắng, căng thẳng của nhiều thí sinh, phụ huynh, nhất là tình trạng đi lại, chờ chực tại các trường đại học.

Theo ông Luận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp trong việc thiết kế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa ổn. Ngoài ra, còn do đồng loạt nhiều trường đại học để ngưỡng điểm sàn vào trường chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT... mà không có sự phân tầng theo chất lượng đào tạo khiến hàng chục ngàn phụ huynh, thí sinh phải chạy đôn chạy đáo những ngày qua. “Thay mặt Bộ GD-ĐT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Bộ GD-ĐT cam kết, trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh chỉ cần đăng ký bằng phiếu lấy từ trên mạng, nộp tại các trường THPT, Sở GD-ĐT. Hồ sơ sẽ được chuyển về các trường đại học. Các trường đại học nhanh chóng công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu còn lại cho nguyện vọng 2.

Thí sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TPHCMẢnh: MAI HẢI

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về đợt xét tuyển đại học đầu tiên, đến hết 20-8, cả nước có gần 570.000 thí sinh đăng ký vào đại học, 43.000 thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, chiếm 8,1% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1, chủ yếu tập trung ở 30 trường tốp trên. Trong khi đó, cũng có gần 10.000 thí sinh đã đến các Sở GD-ĐT của địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không đến rút hồ sơ ở trường.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia chưa tốt. Mục tiêu đặt ra là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng vẫn còn để nhiều người dân và thí sinh rất vất vả. “Qua đánh giá của Bộ GD-ĐT, ý kiến phát biểu của các cơ quan chức năng và dư luận, bộ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, của dư luận, của học sinh để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Điều chỉnh lại nhiều khâu trong xét tuyển

Thực tế, với kỳ xét tuyển đầy mệt mỏi năm nay, phần lớn ý kiến trong xã hội cho rằng, chỉ vì sự chuẩn bị không kỹ càng, cách xét tuyển của Bộ GD-ĐT thiếu khoa học, quy trình chưa hoàn thiện, phần mềm tuyển sinh cũng chưa hoàn thiện, quy chế tuyển sinh chưa tính toán hết những hệ quả, trong quá trình triển khai vẫn còn tâm lý bảo thủ… nên đã dẫn đến hậu quả lớn khi gây căng thẳng, tốn kém cho xã hội, gây khó khăn cho thí sinh và phụ huynh.

Để tiếp tục hoàn thiện phương án thi và tuyển sinh này nhằm vận dụng hiệu quả cho năm sau, Bộ GD-ĐT sẽ phải xem xét lại nhiều khâu trong xét tuyển. Trong đó có việc nâng cấp máy chủ của Bộ GD-ĐT để tránh tình trạng nghẽn mạng khi các nơi cập nhật rút - nộp hồ sơ của thí sinh; tạo điều kiện cho thí sinh được nộp và thay đổi nguyện vọng ở cấp sở của các tỉnh ngay từ đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, sẽ phải bàn lại nhiều vấn đề của kỳ thi quốc gia năm 2015. “Kể từ khâu coi thi phải nghiêm hơn, đề thi phải tính toán lại vì năm nay hàm lượng kiến thức dành cho tốt nghiệp cao quá, dẫn đến đẩy điểm thi lên. Đặc biệt, khâu xét tuyển phải thay đổi nhiều”, ông Điền nói. Theo đó, sẽ phải ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong xét tuyển, không làm thủ công như năm nay. Mỗi thí sinh phải được cấp một tài khoản với tính năng lớn để các em có thể tự nhập liệu và chuyển đổi nguyện vọng xét tuyển. Muốn thế hạ tầng công nghệ thông tin sẽ phải được hoàn thiện thêm.

Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cũng cho rằng, đề thi năm 2015 chưa ổn, vì thế chưa phân hóa được học sinh. “Những thí sinh cao nhất thì xét tuyển dễ dàng, nhưng phần lớn lại là thí sinh có điểm thi từ 19 đến 21 điểm, thậm chí cả từ 23 - 24 điểm cũng vất vả trong xét tuyển bởi cách tuyển sinh năm nay. Trong khi đó, phần mềm tuyển sinh của bộ chưa hoàn chỉnh, chưa lường hết được quá trình xét tuyển (ban đầu Sở GD-ĐT đứng ngoài, mãi sau bộ mới cho các sở vào cuộc). Còn các trường thì mỗi trường làm một kiểu. Có trường công bố danh sách thí sinh xét tuyển như đánh đố thí sinh vì không khoa học”, ông Lập chỉ ra.
 
Đặc biệt, ông Lập cho rằng, nhất định phải xem lại quy định cho rút hồ sơ. “Nguyện vọng 1 không nên cho rút, vì đó là cách để các em chọn ngành, chọn trường theo đúng sở trường. Chỉ cho thay đổi từ nguyện vọng 2 trở đi. Nếu cho rút từ đầu thì chỉ khiến học sinh vào đại học bằng mọi giá, không quan tâm đam mê, sở thích, năng lực”, ông Lê Hữu Lập phân tích.

 Một số đề xuất hoàn thiện phương án tuyển sinh

- Thí sinh đăng ký xét tuyển tại Sở GD-ĐT.
- Mỗi đợt xét tuyển thí sinh có 3 - 4 nguyện vọng, có ghi rõ thứ tự ưu tiên.
- Thí sinh đã đăng ký thì không được thay đổi nguyện vọng, thứ tự ưu tiên.
- Thời gian đăng ký xét tuyển là 10 ngày.
- Sau khi thí sinh đăng ký, dữ liệu sẽ được chuyển về máy chủ để phần mềm xử lý chọn thí sinh trúng tuyển.
- Phần mềm sẽ chọn các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, nếu không sẽ xét nguyện vọng 2 và tiếp tục như thế với các nguyện vọng sau. Thí sinh đăng ký xong sẽ chỉ ngồi nhà đợi kết quả.


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục