Đây chính là một trong những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước về chất lượng công trình đã nêu ra tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM vào ngày 18-11 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, một trong những thực trạng hiện nay là một số dự án lớn triển khai, nhà thầu đã bỏ giá thấp để lọt vào, sau đó không bảo đảm được tiến độ yêu cầu đặt ra. Đây là vấn đề bức xúc mà Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đang tìm biện pháp để khắc phục hạn chế và thời gian tới sẽ có thông tư hướng dẫn để lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện các dự án.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết: Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang rất quyết liệt thu xếp các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông đang là thách thức đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đối với việc triển khai các dự án ODA, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải chú trọng các vấn đề tiêu chuẩn, công nghệ cũng như quy trình quản lý giám sát quá trình triển khai dự án. Đặc biệt các dự án xây dựng metro vẫn còn mới đối với Việt Nam nên các dự án phải được chú trọng ngay từ ban đầu, từ khâu lập dự án, triển khai đầu tư xây dựng cho đến quản lý, vận hành. Các chủ đầu tư phải tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã phát triển metro, mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tham gia tư vấn, quản lý các dự án, chủ động lựa chọn các tiêu chuẩn cho phù hợp và hiệu quả…
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, hiện nay TP đang đẩy nhanh triển khai đầu tư xây dựng 2 dự án đường sắt đô thị lớn, đó là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh. Ngoài ra TP cũng đang chuẩn bị đầu tư và xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng các tuyến đường sắt khác, tuyến xe điện mặt đất. Cụ thể như dự án số 5, cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc mới, các dự án 3a tuyến Bến Thành - Tân Kiên; dự án tuyến 3b Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước…
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 ga, trong đó 3 ga ngầm, 11 ga trên cao. Dự án có vốn đầu tư 236.626 triệu yên Nhật (tương đương 2.490,8 triệu USD), trong đó 209.168 triệu yên (41.833,6 tỷ VNĐ) chiếm 88,4 là vốn vay ODA của JICA, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP (27.458 triệu yên - 5.491,6 tỷ VNĐ). Dự án được triển khai từ năm 2007 và theo kế hoạch vừa được điều chỉnh sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành vào 2018. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành. Ban Quản lý dự án đang xúc tiến công tác chọn thầu các gói thầu chính của dự án, đồng thời chuẩn bị cho hiệp định vay tiếp theo bổ sung vốn ODA cho giai đoạn thi công. (Hiệp định vay đợt 1 được ký vào 2007 với số vốn 20.887 triệu yên đến nay đã giải ngân 2.738 triệu yên).
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 là dự án Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh dài khoảng 19km, điểm đầu tại Thủ Thiêm và điểm cuối tại Bến xe An Sương, được đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đoạn từ Bến Thành - Tham Lương có chiều dài 11,322km (trong đó có 9,315km đi ngầm, 0,232km chuyển tiếp và 0,778 đi trên cao, trong đó có 9 ga ngầm và 1 ga trên cao). Giai đoạn 2 từ Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh. Dự án này được sử dụng từ nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân hàng ADB, ngân hàng KFW - Đức, ngân hàng EIB cùng vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Ông Nguyễn Đỗ Lương, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM kiến nghị: các dự án đường sắt đô thị đều có quy mô xây dựng lớn, phức tạp và rất mới đối với VN trong khi đó chúng ta lại chưa thống nhất, ban hành được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị nên rất khó khăn trong quá trình triển khai. Chính vì vậy cần sớm có cơ chế, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn về đường sắt để làm cơ sở triển khai các dự án và quản lý, khai thác đường sắt đô thị.
Q.ANH – TR.HUYỀN