Hạn chế đào đường ban ngày

Theo lộ trình, trong năm 2020, hàng loạt dự án công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông sẽ được khởi công, hoàn thành để đưa vào khai thác.

7 nhóm công trình chính

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết, trong năm nay, nhiều công trình, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị sẽ được triển khai trên địa bàn thành phố. Các công trình dự án này bao gồm 7 nhóm chính.

Đó là nhóm các dự án, công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và khu vực Cảng Cát Lái; nhóm các dự án, công trình góp phần khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng mà trước mắt là tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài; nhóm các dự án, công trình nhằm mở rộng các cửa ngõ thành phố, các trục giao thông nối kết liên vùng; nhóm các dự án, công trình nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội thị, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành; nhóm các công trình nạo vét luồng đường thủy, kè bờ và nạo vét luồng Soài Rạp; nhóm các công trình chỉnh trang kênh rạch, thu gom, xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ và nhóm các dự án, công trình góp phần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, như tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 và các tuyến buýt khác trong tương lai.

Cũng theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, sẽ có 29 dự án, công trình có quy mô lớn dự kiến hoàn thành trong năm nay; 27 dự án quy mô lớn dự kiến đấu thầu và khởi công trong năm; 32 dự án quy mô lớn đã được đấu thầu năm ngoái, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Có 36 dự án đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến đấu thầu khởi công trong giai đoạn 2021-2025. Có 78 dự án đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục và trình phê duyệt chủ trương đầu tư công.

Chỉ đào đường từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau 

Lô cốt đào đường là hình ảnh không còn xa lạ, kể từ khi thành phố trở thành một đại công trường thi công các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật hồi năm 2009. Thời gian lô cốt mọc lên nhiều nhất có lẽ là hai năm 2009 và 2010. Đến năm 2020, việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ vẫn tiếp tục, nhưng chủ yếu sẽ tập trung thi công vào ban đêm, hạn chế đến mức thấp nhất việc thi công đào đường vào ban ngày.

Hạn chế đào đường ban ngày ảnh 1 Các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ hạn chế việc thi công vào ban ngày. Ảnh: CAO THĂNG

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng đã ký Văn bản số 6214/TB-SGTVT thông báo rộng rãi đến các đơn vị liên quan danh mục các tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công vào ban ngày, thay vào đó chỉ thi công đào đường vào ban đêm, thời gian thi công từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong danh mục hạn chế thi công đào đường ban ngày, có tổng cộng 796 tuyến đường, đoạn đường thuộc phân cấp quản lý của Sở GTVT và chính quyền các quận huyện.

Cụ thể, có 537 tuyến đường, đoạn đường thuộc phân cấp quản lý của Sở GTVT; còn lại là các quận huyện. Về phía các quận huyện, đơn vị quản lý nhiều tuyến đường, đoạn đường nằm trong danh mục hạn chế thi công đào đường ban ngày là quận Bình Thạnh với 63 tuyến đường, đoạn đường; kế đến là quận 1 với 24 tuyến đường, đoạn đường; quận 5 với 22 tuyến đường, đoạn đường.

Sở GTVT cho biết, trong trường hợp có sự cố đột xuất về kỹ thuật hoặc trường hợp cấp bách, cần thiết thì các tuyến đường, đoạn đường trong danh mục hạn chế vẫn có thể được thi công ngoài khung thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, nhưng phải được cấp thẩm quyền cho phép và phải chấp hành đúng quy định.

Không để “bệnh cũ” tái phát

Người dân thành phố có thể thông cảm với ngành chức năng về sự cần thiết phải tiếp tục sống chung với sự hiện diện của các rào chắn công trình, vì lợi ích chung và dài lâu. Thế nhưng, điều băn khoăn lớn nhất của người dân là những hạn chế liên quan tới rào chắn công trình liệu có còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới hay không? 

Thực tế cho thấy, suốt quãng thời gian dài vừa qua, khi rào chắn công trình hiện diện nhiều nơi trên khắp thành phố, lúc dày lúc thưa, cơ quan chức năng vẫn thường xuyên phát hiện hàng loạt va vấp, sự cố xung quanh các công trình đào đường.

Hình thức sai phạm không mới, tựu trung vẫn là các lỗi: không bố trí biển báo, rào chắn; thi công không giấy phép; không bố trí người hướng dẫn giao thông; không gắn đèn đỏ ở hai đầu đoạn đường thi công vào ban đêm; không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng…

Thậm chí, có trường hợp cùng một nhà thầu thi công hoặc cùng một đơn vị tư vấn giám sát nhưng thường xuyên sai lỗi. Chẳng hạn, như trước đây đã từng có lần Công ty liên doanh Xây dựng VIC bị phê bình vì không thực hiện đúng theo phương án phân luồng giao thông đã được ngành chức năng phê duyệt; thay vào đó lại dựng rào chắn vượt quá diện tích cho phép, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn đi qua quận 3.

Tương tự, từng có lúc nhiều tuyến đường thuộc Dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án nâng cấp đô thị thành phố lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, mặc dù đã thi công lắp đặt công trình ngầm xong xuôi, nhưng các đơn vị thi công lại chỉ tái lập lớp nhựa thô thấp hơn mặt đường hiện hữu từ 4-7cm, rất dễ gây mất an toàn giao thông. Cũng có một số tuyến đường đã tái lập bê tông nhựa nóng nhưng chất lượng tái lập không tốt, chẳng mấy chốc mặt đường bong tróc lớp nhựa, vừa không đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị lại vừa không an toàn giao thông.

Tin cùng chuyên mục