Hạn chế khiếu kiện đất đai, cần chỉ ra địa chỉ làm sai

Đối với người dân Việt Nam, đất đai luôn là tài sản quý giá nhất, do đó mọi quyết định liên quan đến đất đai luôn gây ra những tác động lớn đối với đời sống người dân cũng như trật tự an toàn xã hội nói chung. Tuy nhiên, trong những năm qua, những quyết định liên quan đến đất đai của các cơ quan có thẩm quyền lại bộc lộ quá nhiều bất cập.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai, cho thấy 47,8% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo trong tổng số gần 1 triệu đơn thư 9 năm gần đây có nội dung đúng hoặc đúng một phần.

Với tỷ lệ khiếu tố đúng như thế, cũng có nghĩa gần 50% quyết định của cơ quan nhà nước có liên quan là sai và với tỷ lệ sai như vậy rõ ràng là “rất nghiêm trọng” như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Vậy làm sao để hạn chế những quyết định sai nhằm giảm khiếu kiện về đất đai trong tương lai? Theo tôi, điều cần làm đầu tiên là Chính phủ nhanh chóng khu biệt những địa phương có tỷ lệ ra quyết định hành chính về đất đai sai nhiều nhất, chứ không chỉ công bố tỷ lệ quyết định hành chính về đất đai sai trên tổng thể như hiện nay. Tức phải thống kê xem tỷ lệ ra quyết định sai rơi chủ yếu vào những địa phương nào. Trong các địa phương đó, tập trung chủ yếu vào những huyện, xã nào nhiều nhất, gắn với nhiệm kỳ lãnh đạo của ai, liên quan đến những kiểu dự án nào và sai theo kiểu loại nào? Khi làm được như vậy,  mới có thể đưa ra các giải pháp nâng cao nghiệp vụ, thậm chí thay thế các cán bộ phụ trách về đất đai ở những nơi đó.

Theo tôi, phần lớn các quyết định hành chính sai liên quan đến đất đai chủ yếu rơi vào các địa phương thuộc khu vực nông thôn, bởi ở những khu vực này, khả năng tiếp cận thông tin, khả năng nhận được những trợ giúp pháp lý liên quan đến đất đai của người dân rất kém. Từ đó  những cán bộ phụ trách về đất đai dễ dàng qua mặt người dân để trục lợi và khi người dân phát hiện mình bị qua mặt, chắc chắn sẽ dẫn đến khiếu kiện.

Cần đảm bảo rằng tất cả các cán bộ phụ trách nhà đất trên cả nước phải có năng lực hiểu và thực thi những điều luật liên quan đến đất đai như nhau. Thực tế cho thấy, năng lực hiểu và thực thi pháp luật về đất đai của những cán bộ chuyên trách còn yếu kém. Từ sự yếu kém đó dẫn đến việc, cùng những quy định như nhau nhưng mỗi nơi, mỗi cán bộ có một cách hiểu khác nhau, nên ban hành quyết định khác nhau dù có thể cùng một sự việc. Trước khi đưa vào thực hiện, bất cứ một quy định nào về đất đai cũng đã tập huấn cho các cán bộ chuyên trách ở các địa phương, nhưng có lẽ việc tập huấn này không bảo đảm chất lượng nên cán bộ không nắm được hết các quy định. Vì vậy để hiểu, để nắm và thực thi đúng luật, tự thân người cán bộ chuyên trách phải có kiến thức nền tảng về pháp luật, nhưng hiện nay có bao nhiêu phần trăm cán bộ chuyên trách về nhà đất đã học qua trường luật? Do đó theo tôi, cán bộ phụ trách đất đai ở các địa phương phải là những người được đào tạo chính quy về luật, vì đất đai là lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

LÊ MINH TIẾN (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục