Một trong những công tác trọng tâm mà Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX chỉ đạo UBND TPHCM phải tập trung thực hiện là hạn chế sử dụng xe cá nhân để góp phần chống ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường cho TP. Đây là vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước yêu cầu đó, các ban ngành TPHCM đã làm gì để thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM?
Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm: đang lập dự án
Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đã trình dự án lên UBND TPHCM cách nay hơn một năm và UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận cho đơn vị được lập nghiên cứu khả thi, trình cơ quan chức năng xem xét.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, giải pháp thu phí giao thông của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong khá đơn giản. Theo đó, doanh nghiệp sẽ triển khai 3 cổng thu phí trên ranh giới hạn vùng thu phí. Vùng thu phí dự kiến được giới hạn bởi các đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đại lộ Đông Tây và các đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. ô tô đi vào khu vực thu phí sẽ được gắn thiết bị thu phát sóng OBU. Nếu xe đã mua phí, thiết bị sẽ báo tín hiệu về cổng thu phí. Tại các cổng thu phí sẽ không phải dựng barrier nên xe đi qua không phải dừng lại. Thiết bị OBU sẽ được kết nối với tài khoản của người sử dụng xe. Mỗi lần xe đi qua cổng, hệ thống tự động sẽ kiểm tra số xe, tính phí và tự động trừ trong tài khoản của chủ xe.
Mức thu dự kiến 20.000 – 60.000 đồng/xe nhưng cụ thể sẽ do UBND TP quyết định. Với mức thu này, khả năng trong 5 năm đầu, mỗi năm doanh nghiệp sẽ thu được 300 tỷ đồng, 5 năm kế tiếp mỗi năm thu được 500 tỷ đồng.
Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đang triển khai bước nghiên cứu khả thi. Dự kiến trong tháng 4-2011 sẽ gửi dự án đến các sở ngành liên quan để lấy ý kiến đóng góp. Quan điểm bước đầu của doanh nghiệp là việc triển khai thu phí sẽ góp phần giảm khoảng 30% lượng xe ô tô vào khu vực trung tâm TP. Sở GTVT TPHCM chưa xác nhận con số này, song khẳng định tình hình trật tự an toàn giao thông tại khu trung tâm của thành phố đang diễn biến rất phức tạp.
Nếu như cách nay 8 năm, tốc độ lưu thông ở khu vực trung tâm thành phố trung bình 18,2km/giờ thì nay chỉ còn khoảng 14km/giờ. Trước kia xe chỉ đông trong giờ cao điểm thì hiện nay gần như lúc nào cũng là giờ cao điểm. ô tô nhiều tới mức dừng chờ đèn đỏ, lấn luôn cả giao lộ làm cho dòng xe ở hướng đèn xanh không thể lưu thông. Do vậy, việc triển khai thu phí cũng là một trong những giải pháp góp phần hạn chế sự gia tăng quá nhanh của ô tô cá nhân và là giải pháp cần thiết cùng với nhiều giải pháp khác kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Ô tô của các địa phương khác đến khu trung tâm sẽ phải nộp phí như thế nào? Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý giao thông thuộc Sở GTVT TPHCM, khẳng định tất cả những băn khoăn này sẽ được làm rõ trước khi dự án được triển khai thực hiện.
Tập trung cho xe buýt sạch và BRT
Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) để có điều kiện hạn chế xe cá nhân là một nội dung đã được TPHCM triển khai từ những năm 2001 và 2002. Gần 10 năm qua, TPHCM đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc phát triển VTHKCC. Lượng khách đi xe buýt trung bình mỗi ngày đã lên tới hơn 1 triệu lượt người… Tuy nhiên, hiện nay hoạt động VTHKCC đã có dấu hiệu chựng lại do không cạnh tranh được với xe cá nhân. Trên mặt đường có quá nhiều xe cá nhân và xe buýt rất khó xoay chuyển. Sở GTVT TPHCM đã buộc phải cắt đi hàng trăm chuyến xe buýt/ngày vì… không có đường đi.
Theo ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM với mức gia tăng khoảng 100 ô tô và hơn 1.000 xe gắn máy 2 bánh/ngày như hiện nay, TPHCM cần triển khai ngay các giải pháp hạn chế xe cá nhân bởi không nguồn thu ngân sách nào có thể đủ để liên tục xây dựng thêm cầu mới, đường mới, đáp ứng cho nhu cầu đi lại của số lượng xe lớn như vậy. Trước mắt, UBND TPHCM nên bắt đầu thu phí cao đối với xe ô tô cá nhân vì đây là loại xe chiếm diện tích lớn gấp nhiều lần so với xe gắn máy 2 bánh. Hơn nữa, đối tượng sở hữu loại xe này về cơ bản sẽ không gặp khó khăn gì (về mặt vật chất) khi phải đóng phí như một số đối tượng sử dụng xe gắn máy 2 bánh. “Tôi có xe ô tô riêng và tôi sẵn sàng đóng phí”, ông Đặng Văn Khoa nói. |
Một mô hình VTHKCC khác đang được TPHCM tập trung nghiên cứu để khắc phục tình trạng bị xe cá nhân “chèn ép” trên đường là BRT. BRT là loại hình VTHKCC khối lượng lớn gồm nhiều toa tương tự xe lửa nhưng chạy trên đường, trong phần dành riêng cho mình. Hiện UBND TPHCM đã cho phép Sở GTVT nghiên cứu triển khai BRT ở một số tuyến đường như đại lộ Đông Tây, đường Trần Hưng Đạo… Phát triển hệ thống metro cũng đang được lãnh đạo TP thúc đẩy mạnh mẽ. Hai trong số 6 tuyến metro của TP đã được khởi công xây dựng.
Việc đổi mới lực lượng xe buýt đang hoạt động, đã bắt đầu bước vào giai đoạn xuống cấp, cũng được UBND TPHCM quan tâm. Một dự án đổi mới xe buýt đang được Sở GTVT trình UBND TPHCM xem xét, đặc biệt trong đó có lưu ý đến việc phát triển xe buýt sử dụng nguồn năng lượng sạch CNG. UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ cho miễn, giảm nhiều loại thuế liên quan đến việc nhập khẩu loại xe buýt sạch và bước đầu Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm nhập trước 21 xe buýt sử dụng khí CNG với nhiều chế độ ưu đãi.
Như vậy, về cơ bản TPHCM đã có khá nhiều động thái để chuẩn bị cho việc hạn chế sử dụng xe cá nhân. Tuy nhiên, bao giờ chúng được triển khai trong thực tế (trừ xe buýt đã hoạt động và hai tuyến metro đã được khởi công xây dựng) vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Việc triển khai thực hiện một chủ trương lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại của nhiều người dân không thể quyết định một sớm, một chiều, song cũng không có nghĩa cứ mãi là… chủ trương
AN NHIÊN