Hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế chia sẻ

Ngày 8-12, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”. Đây là báo cáo CIEM được giao chủ trì xây dựng để trình Chính phủ trong quý 4.

Tại hội thảo, một mặt ghi nhận những tác động tích cực to lớn của kinh tế chia sẻ, mặt khác, TS Lưu Đức Khải - Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM), nhận định, kinh tế chia sẻ cũng có những tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: huy động đầu tư quá mức; nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trong nước… 

Về ý kiến cho rằng mô hình kinh tế chia sẻ của Grab ở Việt Nam hiện nay là “nửa vời”, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng, thẳng thắn cho rằng, Grab ở Việt Nam đã “biến tướng” vì nhiều người phải đi vay, đi nhờ người khác hỗ trợ để có thể tham gia vào nền tảng đó.

“Nếu trường hợp nền kinh tế phát triển tốt, thị trường ưu ái cho mô hình đó thì có thể không gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể kinh doanh bằng xe công nghệ, tài xế không có thu nhập, không có khả năng trả nợ, rất dễ dẫn đến phá sản cá nhân”, chuyên gia này cảnh báo.

Lãnh đạo CIEM khuyến nghị, thời gian tới, cơ quan quản lý cần chú trọng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế này, hạn chế các tác động tiêu cực của mô hình kinh tế chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục